Tự do hàng hải là nguyên tắc bất di bất dịch và được khẳng định tại Hội nghị An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) diễn ra ở Singapore từ ngày 1 đến 3-6. Vấn đề tự do hàng hải cũng được các nước châu Á đặc biệt quan tâm tại hội nghị này, nhất là khi tình hình Biển Đông vẫn “nóng” với sự tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước liên quan trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (giữa) bắt tay với Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-Jin tại cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters |
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe mô tả “tự do và an ninh hàng hải là nguyên tắc bất khả xâm phạm”. Theo đó, bất kỳ hành động gây hấn, không tôn trọng Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS) cũng không thể được chấp nhận. Hàm ý của Nhật Bản chính là việc Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cụ thể là tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines đối với bãi đá Scarborough. Thực tế, Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về “mối đe dọa Trung Quốc”, không chỉ xuất phát từ những ồn ào trên Biển Đông mà còn liên quan đến sự không minh bạch trong chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh. 106 tỷ USD được Trung Quốc dành cho quốc phòng trong năm 2012, tăng 11,2%/năm, là con số đang quan ngại với Nhật Bản bởi sự thiếu minh bạch - thiếu thông tin chi tiết về phạm vi mở rộng và mục tiêu mà Bắc Kinh theo đuổi. Tokyo khẳng định việc sẵn sàng thúc đẩy vai trò của mình để làm cho trật tự hàng hải khu vực trở nên ổn định. Với phát biểu rằng “việc thiết lập mạng lưới các quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ và một khuôn khổ an ninh đa tầng là điều mà chúng ta đang theo đuổi”, ông Watanabe đã nhấn mạnh thông điệp phải tôn trọng UNCLOS và không chấp nhận bất kỳ hành động nào đe dọa đến tự do hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương.
Điều đáng nói là tại hội nghị quan trọng bậc nhất ở châu Á bàn về an ninh như thế, khi Trung Quốc là một trong những nước liên quan chính được đề cập nhiều nhất và hầu hết các ý kiến đều không đứng về phía Bắc Kinh, thì người đứng đầu ngành Quốc phòng của cường quốc này lại không có mặt. Thay cho sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, Bắc Kinh lại cử Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền, Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự, làm trưởng đoàn. Giới phân tích cho rằng, việc quan chức cấp cao Trung Quốc “né” Shangri-La thể hiện quan điểm của Bắc Kinh muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông qua đối thoại song phương, chứ không phải đối thoại đa phương.
Trái với sự né tránh của Trung Quốc, Mỹ lại cử đến Singapore một phái đoàn hùng hậu do Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta dẫn đầu. Cùng đi với người đứng đầu Lầu Năm Góc là hai chỉ huy quân đội - Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, và đô đốc Sam Locklear - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương. Thông điệp mà Mỹ mang đến Singapore là chiến lược của Washington trong việc “tái cân bằng về hướng châu Á - Thái Bình Dương”. Theo đó, Washington sẽ đưa phần lớn hạm đội Hải quân đến Thái Bình Dương vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, đương nhiên “người khổng lồ” của thế giới phải bảo vệ đồng minh Philippines và kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Panetta xoa dịu rằng, Washington muốn đối thoại với Bắc Kinh và không muốn xung đột.
Tân Hoa xã cảnh báo Mỹ không nên “làm dậy sóng” trên Biển Đông. Nhưng cảnh báo này không làm thay đổi quyết tâm chuyển mối quan tâm và cán cân quân sự của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương. Ông Panetta cũng khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ các nước châu Á. Và “cái bắt tay” này có thể sẽ mang lại cho các nước trong khu vực sự hậu thuẫn mạnh mẽ để chống lại những tuyên bố vô căn cứ về chủ quyền cũng như những hành động gây hấn.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 tại Singapore không nghiêng về Trung Quốc bởi nguyên tắc bất di bất dịch là tôn trọng tự do hàng hải. Đối thoại năm nay cũng sẽ tạo nền tảng để Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) ra đời bởi đã đến lúc không thể trì hoãn được nữa - như khẳng định của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.
" Quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý phải được tôn trọng triệt để. Tranh chấp chủ quyền trên biển cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan và công khai minh bạch trong môi trường quốc tế " (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 11) |
VĨNH AN