.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Sự bảo đảm từ Mỹ

.

Sự bảo đảm từ Mỹ, trong đó đặc biệt là hỗ trợ về mặt quân sự sẽ giúp Philippines xây dựng nền quốc phòng vững mạnh hơn, đồng thời là cơ sở để Manila tự tin đối đầu với Trung Quốc xung quanh tranh chấp ở bãi đá Scarborough.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ người đồng cấp Philippines Benigno Aquino tại Nhà Trắng.                                                     Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ người đồng cấp Philippines Benigno Aquino tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Đại sứ Philippines tại Washington Jose Cuisia cho rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tối 8-6 (sáng 9-6, giờ Việt Nam) thiết lập nền tảng quan trọng cho quan hệ đối tác chiến lược tương lai Manila - Washington khi cả hai đều lo lắng về sự trỗi dậy cũng như “những ý định” của Trung Quốc. Nắm quyền cai trị thuộc địa Philippines từ năm 1898-1946, làm đồng minh với Manila từ năm 1951, Mỹ xem quốc gia châu Á này như một phần trong chính sách đưa khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm chiến lược an ninh và kinh tế của Washington. Lâu nay, Mỹ luôn khẳng định một cách chung chung rằng sẽ tuân thủ các cam kết trong Hiệp ước Quốc phòng song phương với Manila. Tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc với Philippines trên Biển Đông cùng những tuyên bố vô căn cứ của Bắc Kinh vô hình trung đưa quan hệ Washington - Manila trở nên thân thiết hơn. Sự có mặt của Tổng thống Aquino tại Nhà Trắng và nhà lãnh đạo Mỹ Obama cam kết ủng hộ mạnh mẽ đồng minh châu Á, trong đó có việc chuyển giao tàu chiến, tăng số tiền của chương trình bán vũ khí hằng năm cho Manila lên 30 triệu USD… là những minh chứng sống động về điều này.

Hơn nữa, chuyến công du của ông Aquino được xem là một biểu tượng lớn. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ tin rằng, ông Aquino - con trai của nữ anh hùng dân tộc, cố Tổng thống Philippines Corazon Aquino đã và đang làm hồi sinh mối quan hệ song phương vốn trải qua những khó khăn.

Trong tuyên bố chung, ông Obama và ông Aquino cùng kêu gọi giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông “mà không có sự o ép hay sử dụng vũ lực”. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng việc bảo đảm tự do hàng hải, tôn trọng luật quốc tế, đồng thời ủng hộ việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nỗ lực thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với Trung Quốc. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền liên quan đến Bắc Kinh, Washington luôn thúc đẩy ngoại giao đa phương, trong khi “người khổng lồ” châu Á lại muốn đàm phán song phương với các nước láng giềng yếu hơn ở khu vực. Quan điểm của Mỹ là thực thi các quy định quốc tế nhằm bảo đảm an ninh hàng hải chứ không cô lập bất kỳ quốc gia nào, đồng thời hướng đến giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình. “Mỹ giữ nguyên tắc phản đối bất kỳ bên liên quan nào sử dụng vũ lực và o ép để khẳng định chủ quyền trên biển”, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila đã có phần dịu đi khi hai bên đã rút bớt tàu thuyền ra khỏi khu vực ở bãi đá Scarborough. Tuy nhiên, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á Don Weatherbee ở Đại học Nam Carolina cho rằng, Philippines không thể kỳ vọng vào sự cứu cánh hoàn toàn từ phía Mỹ trong vấn đề xung đột lãnh thổ với Bắc Kinh. Bởi lẽ, sự bảo đảm từ Washington có thể không giúp gỡ bỏ được tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.

Chuyến công du của Tổng thống Aquino và sự bảo đảm từ Mỹ với Philippines được Trung Quốc quan tâm, theo dõi chặt chẽ. Bắc Kinh nghi ngờ rằng, Mỹ đang tìm cách bao vây cường quốc châu Á đang trỗi dậy trong khi các quan chức Washington bác bỏ cáo buộc này. Nhưng dù sao, với sự bảo đảm của Mỹ, Philippines vẫn tự tin với chiến lược quốc phòng của mình, nhất là ở Biển Đông.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.