.

Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến gần biên giới Syria

.

Khoảng 30 xe quân sự và thiết bị phóng tên lửa chống máy bay đã tiến về thị trấn Iskenderun - cách biên giới Syria 50km, và những khu vực khác.
 

Khói bốc lên ở trung tâm Damascus.  Ảnh: CNN
Khói bốc lên ở trung tâm Damascus. Ảnh: CNN

Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân diễn ra trước khi Tổng thống Abdullah Gul chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia với sự tham dự của các thành viên nội các và tướng lĩnh quân đội vào ngày 28-6. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận việc quân đội nước này đang hiện diện ở biên giới và cho rằng, Ankara đang thực hiện các giải pháp phòng vệ sau vụ máy bay bị bắn rơi. Song, theo Reuters, ông này không cho biết chính xác có bao nhiêu binh sĩ và phương tiện được triển khai. Nhà phân tích về Trung Đông David Hartwell gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ “phản ứng thực tế, hợp lý” sau vụ máy bay của Ankara bị bắn rơi trên không phận Syria.

Trong lúc đó, lực lượng phiến quân Syria đã tấn công vào trung tâm thủ đô Damascus với những tiếng nổ lớn vang lên bên ngoài Tòa án Tối cao. Hãng Reuters cho biết, khói bốc lên trên bầu trời Damascus. Ít nhất 3 người bị thương và 20 ô-tô bị phá hủy. Đài Truyền hình Syria mô tả đây là vụ nổ do khủng bố nhằm vào một khu đỗ ô-tô của các thẩm phán và luật sư. Trong những tháng gần đây, ở Syria thường xảy ra những vụ nổ lớn, làm hàng chục người thiệt mạng. Hầu hết những vụ nổ nhằm vào các cơ quan an ninh của Tổng thống Bashar al-Assad.

Các nhà ngoại giao thế giới đang nỗ lực để kết thúc cuộc khủng hoảng và khôi phục hòa bình ở Syria. Một hội nghị khẩn cấp dự kiến diễn ra vào ngày 30-6 tới tại Geneva (Thụy Sĩ). Đặc sứ LHQ và Liên đoàn Arab (AL), ông Kofi Annan, đang kêu gọi các nhà ngoại giao ủng hộ kế hoạch hòa bình mới sau khi kế hoạch cũ của ông bị “chết yểu” do các bên liên quan ở Syria không thực hiện ngừng bắn. Các đặc sứ LHQ, Liên minh châu Âu (EU), AL cũng được mời đến Geneva.

Cũng trong ngày 28-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng sẽ có giải pháp ngoại giao đột phá để giải quyết xung đột ở Syria. Song, ông Lavrov vẫn bảo vệ quan điểm: phản đối các hành động can thiệp từ bên ngoài và cần để cho người dân quốc gia Trung Đông này tự quyết định số phận của Tổng thống Assad. Ông Lavrov cũng không cho biết Mátxcơva có ủng hộ các đề xuất mới của ông Annan hay không.

THIÊN BÌNH
 

;
.
.
.
.
.