.

Thổ Nhĩ Kỳ: Máy bay bị Syria bắn rơi đã ở không phận quốc tế

.

(ĐNĐT) - Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chiếc máy bay chiến đấu F-4 bị phòng không Syria bắn hạ hôm 22-6 đã ở không phận quốc tế.

Thổ Nhĩ Kỳ: Máy bay bị Syria bắn rơi đã ở không phận quốc tế
Ảnh đồ họa đường bay của chiếc F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi ngày 22-6. Vị trí 1: Chiếc F-4 cất cánh từ căn cứ Erhac, Thổ Nhĩ Kỳ, lúc 10 giờ 28 phút giờ địa phương (7 giờ 28 GMT) ngày 22-6. Vị trí 2: Syria nói chiếc phản lực cơ bay vào không phận của mình lúc 11 giờ 40 (8 giờ 40 GMT). Ví trí 3: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mất liên lạc với chiếc F-4 lúc 11 giờ 58 phút (8 giờ 58 GMT), khi nó đang ở trên bầu trời tỉnh Hatay. Vị trí 4: Syria nói lực lượng phòng không bắn hạ chiếc F-4 cách bờ biển 1 kilomet và máy bay rơi xuống biển cách Om al-Tuyour 10 kilomet về phía tây. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói chiếc máy bay rơi cách Syria 13 dặm (24 kilomet) và ở trong không phận quốc tế.

Theo Bộ trưởng Davutoglu, chiếc F-4 không mang vũ khí và không thi hành một nhiệm vụ bí mật liên quan tới Syria nhưng do nhầm lẫn, đã bay vào không phận Syria.

Syria cho rằng, nước này bắn hạ chiếc máy bay trong không phận của mình “theo các luật lệ áp dụng cho những tình huống như vậy”.

Trong một cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình TRT ngày 24-6, ông Davutoglu khẳng định rằng, chiếc F-4 đã bay vào không phận Syria do nhầm lẫn nhưng đã rời khỏi đó vài phút trước khi bị bắn rơi.

“Chúng tôi kết luận rằng, máy bay của chúng tôi bị bắn trong không phận quốc tế, cách Syria 24 kilomet”, ông Davutoglu nói.

Theo luật quốc tế, không phận của một quốc gia mở rộng ra 12 dặm (22,2 km) tính từ bờ biển, tương ứng với vùng lãnh hải của quốc gia đó. Đồng thời, ông Davutoglu còn nói thêm rằng, chiếc phản lực cơ không làm “một nhiệm vụ bí mật liên quan tới Syria” mà chỉ thực hiện một chuyến bay huấn luyện để kiểm tra khả năng radar của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang tìm kiếm hai phi công đang mất tích.

Ankara đã quyết sẽ có những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt và hợp pháp một khi mọi việc được làm rõ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi một cuộc họp của các quốc gia thành viên NATO vào ngày thứ Ba, 26-6, để tham khảo ý kiến của NATO theo Điều 4 thành lập Hiệp ước NATO.

Phát ngôn viên NATO, bà Oana Lungescu cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu tham vấn theo điều 4 của Hiệp ước NATO. Bất kỳ một đồng minh nào cũng có thể tham vấn theo chọn lựa của họ một khi có liên quan tới sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập chính trị hoặc an ninh bị đe dọa”.

Quang Hiển (Theo BBC, AP)

;
.
.
.
.
.