.

ASEAN tháo gỡ tranh chấp trên Biển Đông

.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên tập trung tháo gỡ căng thẳng với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông để hướng đến ổn định khu vực.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bìa phải) chào đón các Ngoại trưởng đến Phnom Penh. 					                       Ảnh: AFP
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bìa phải) chào đón các Ngoại trưởng đến Phnom Penh. Ảnh: AFP

Tranh chấp trên Biển Đông là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN khai mạc ngày 9-7 và Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong tuần này. Căng thẳng liên quan đến những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực sẽ càng nóng khi có sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng người đồng cấp Trung Quốc tại ARF.

Hãng AFP cho biết, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 9-7, Thủ tướng Hun Sen nói rằng, việc thúc đẩy thực thi Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là một trong những mục tiêu chính của 10 thành viên ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề hợp tác an ninh - chính trị và cả những mối quan hệ bên ngoài khu vực. Ông thúc giục các phái đoàn nỗ lực để đạt được thỏa thuận về COC, văn bản pháp lý đối với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), theo đó quy định giải quyết tranh chấp về chủ quyền giữa một số thành viên liên quan với Trung Quốc. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: ASEAN nên thể hiện hiệp hội này là động lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị cũng như an ninh. “Việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực là điều không thể thiếu đối với sự thịnh vượng của ASEAN”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.

Đề cao việc thực thi Hiến chương ASEAN, ông Hun Sen được TTXVN dẫn lời rằng, việc thực thi DOC phải bao gồm các cơ chế giải quyết xung đột và ông muốn nhìn thấy kết luận cuối cùng về COC. Ông kêu gọi các Ngoại trưởng ASEAN ưu tiên cho mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; tiếp tục các nỗ lực biến Hiến chương ASEAN thành hiện thực.

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia cho rằng, ASEAN cần thúc đẩy việc vận hành hiệu quả các văn kiện và cơ chế để bảo đảm hòa bình, an ninh trong khu vực như Hiệp ước hữu nghị và thân thiện, Hiệp ước về khu vực không vũ khí hạt nhân tại Đông Nam Á, DOC, ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng...

Cũng theo AFP, về phía Philippines vốn đang tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, Manila muốn ASEAN đoàn kết, có chung tiếng nói để thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận COC. Song, Bắc Kinh luôn khẳng định lập trường chỉ đàm phán song phương với từng nước liên quan. Trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao cấp cao tham dự hội nghị tại Campuchia vẫn đang tranh luận về giải pháp cho vấn đề tranh chấp nhưng không làm tổn hại đến kinh tế khu vực khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn của nhiều nước ASEAN. Ngay cả Mỹ tuy bày tỏ mối quan tâm đến Biển Đông, muốn hỗ trợ Philippines giải quyết căng thẳng nhưng lại mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, ông Kurt Campell mang đến Phnom Penh thông điệp hợp tác.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.