Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh và người đồng cấp Trung Quốc Phó Oánh đồng chủ trì Hội nghị tham vấn không chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Máy bay do thám không người lái MQ-4C Triton. Ảnh: aviationnews |
Ngày 8-7, Hội nghị tham vấn không chính thức của ASEAN với Trung Quốc về COC diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Đây là lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc họp tham vấn không chính thức kể từ khi 2 bên đồng ý làm việc để tiến tới ký COC - văn bản nhằm pháp lý hóa Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Mỹ muốn giảm căng thẳng ở Biển Đông
Theo TTXVN, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh cho rằng, lần nhóm họp này là một trong những bước quan trọng tiến tới COC, tạo khuôn khổ pháp lý cho vấn đề tranh chấp Biển Đông, bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các nước.
Trong một diễn biến liên quan, diễn đàn An ninh khu vực (ARF 9) của ASEAN với một số nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ khai mạc tại Phnom Penh vào tuần này. Hãng AFP cho biết, một trong những chủ đề nóng nhất tại ARF 9 là vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Các Ngoại trưởng tham dự diễn đàn sẽ thúc giục Trung Quốc và Philippines kiềm chế tối đa, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, Washington sẽ đề cập đến việc giảm căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Hãng AFP dẫn lời một quan chức Mỹ rằng, tất cả các bên liên quan đều phải nhận ra việc tồn tại những nguy cơ rất lớn trong quá trình phát triển có thể làm suy yếu cơ sở xây dựng thịnh vượng của châu Á và sụt giảm sự tin cậy lẫn nhau.
Trong khi đó, Philippines tuyên bố sẽ không hội đàm song phương với Trung Quốc bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và cả ARF 9. Song, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Philippines vẫn sẽ đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN. Chính phủ Manila đang xúc tiến hiện đại hóa quân đội, cụ thể là lực lượng không quân, với việc trang bị các máy bay tấn công, máy bay huấn luyện, trực thăng tấn công, máy bay vận tải hạng trung và hạng nhẹ.
Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo
Còn tại Diễn đàn hòa bình thế giới 2012 ở Trung Quốc ngày 7 và 8-7, Phó Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, kêu gọi tất cả các quốc gia nỗ lực phối hợp để giải quyết những thách thức an ninh khu vực và tạo dựng sự hòa hợp, ổn định trên toàn cầu. TTXVN dẫn lời ông Tập Cận Bình - người được kỳ vọng sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - cho rằng khi đối mặt với các thách thức an ninh phức tạp thì không quốc gia nào có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần hợp tác, đổi mới và nâng cao trách nhiệm, nỗ lực chung để đạt được kết quả các bên cùng có lợi.
Hãng Tân Hoa xã cho hay, ông Tập Cận Bình đã đề cập đến việc xây dựng khái niệm an ninh mới, bao gồm sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và thúc đẩy quan điểm an ninh chung toàn cầu cũng như mang tính hợp tác. Nhà lãnh đạo này còn khẳng định Bắc Kinh sẽ trung thành với con đường phát triển hòa bình, nỗ lực xây dựng quan hệ kiểu mới với các cường quốc, bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, sự nổi lên của Trung Quốc không phải là điều đáng sợ và Bắc Kinh “không mưu cầu bá chủ”.
Tuy nhiên, những tuyên bố trên lại mâu thuẫn với hành động thực tế của Trung Quốc tại Biển Đông. Vì vậy, Philippines và các học giả, các nhà nghiên cứu hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng, Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo. Báo China Daily dẫn lời ông Tô Hạo tại khoa Nam Á và Đông Nam Á thuộc Học viện quan hệ quốc tế Trung Quốc nhận định: Hình ảnh đất nước Trung Quốc được xây dựng như một cường quốc có trách nhiệm ở Đông Nam Á đang đối mặt với khủng hoảng lòng tin. Theo vị học giả này, sự trổi dậy về quân sự có thể đẩy Bắc Kinh vào việc giải quyết tranh chấp bằng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.
Về phía Mỹ, Washington nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến châu Á - Thái Bình Dương. Trong diễn biến mới nhất, máy bay không người lái MQ-4C Triton của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai ở đảo Guam để giám sát các hoạt động hàng hải của Trung Quốc tại khu vực. Theo đó, Hải quân Mỹ dự kiến lắp đặt các phương tiện phục vụ việc triển khai loại máy bay MQ-4C Triton tại căn cứ không quân Andersen trên vùng lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương vào sau tháng 10-2013 và chính thức đưa loại máy bay này hoạt động vào nửa cuối năm 2016.
VĨNH AN