.

EU, Trung Quốc giải quyết bất đồng thương mại

.

Khủng hoảng nợ công châu Âu và hàng loạt vấn đề gai góc về thương mại được đặt ra trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc ngày 10-7 tại Bắc Kinh.  
 

Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton (trái) gặp gỡ Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Bắc Kinh.  Ảnh: Reuters
Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton (trái) gặp gỡ Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Hãng AFP cho rằng, đối thoại chiến lược lần 3 giữa EU và Trung Quốc sẽ mở đường cho hội nghị cấp cao tại Brussels (Bỉ) trong năm nay. Đối thoại diễn ra trong lúc các nước châu Âu phải chật vật chèo chống khủng hoảng nợ công và tìm giải pháp để chấm dứt “cơn bão” tài chính này.

Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh là chủ nợ lớn của châu Âu. Vì vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xem xét khủng hoảng của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) ở mức đưa ra những cảnh báo. Trước đây, Bắc Kinh cân nhắc giải pháp đóng góp quỹ viện trợ cho châu Âu và sự trợ giúp này đã không được thực hiện. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, “người khổng lồ” châu Á lại cam kết đóng góp 43 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp duy trì sự ổn định của tài chính toàn cầu giữa “cơn địa chấn” của eurozone.

Hãng AFP cho biết, Trung Quốc và EU cũng có những bất đồng về thương mại, như vấn đề đất hiếm vốn được sử dụng trong công nghệ cao và thuế carbon của khối gồm 27 thành viên này mà Hãng hàng không Trung Quốc từ chối chi trả. Cùng với Mỹ và Nhật Bản, EU cáo buộc Trung Quốc không công bằng trong việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm và yêu cầu tất cả cùng ngồi vào bàn nghị sự của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để giải quyết căng thẳng. Tháng 2-2012, Cơ quan giám sát hàng không của Trung Quốc cấm các hãng hàng không của nước này tham gia Chương trình Thương mại khí thải mặc dù Bắc Kinh vẫn hy vọng EU có thể hoãn đánh thuế carbon.

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa các ngành kinh tế của EU nếu tiếp tục điều tra về trợ giá của 2 công ty thiết bị viễn thông Huawei và ZTE Corp. của nước này. Công ty năng lượng châu Âu chuẩn bị kiện đối thủ Trung Quốc tận dụng trợ giá của Chính phủ để bán phá giá và đề nghị áp thuế trừng phạt. Những tuyên bố qua lại khiến Đức thậm chí quan ngại nguy cơ một cuộc chiến thương mại có thể bùng phát trước chuyến thăm của Thủ tướng Angela Merkel đến Bắc Kinh vào tháng 8 tới.

Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, đại diện hàng đầu của liên minh già cỗi này tham gia đối thoại ở Bắc Kinh, nói rằng cả hai bên sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề. Theo bà, cả EU lẫn Trung Quốc ngoài việc giải quyết các lợi ích chung thì cùng có nghĩa vụ tham gia hàng loạt vấn đề toàn cầu. Bà Ashton cũng gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Ôn Gia Bảo, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt. Tại Bắc Kinh, EU và Trung Quốc cũng bắt đầu trao đổi về quốc phòng, an ninh, đồng thời xem xét thúc đẩy hợp tác đối với sứ mệnh chống hải tặc trên biển Somalia.

Đối thoại chiến lược EU - Trung Quốc lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 9-2010 tại tỉnh Quý Châu, đối thoại lần thứ hai ở Hungary vào tháng 5-2011.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.