.

Indonesia tìm lập trường chung về Biển Đông

.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa dự kiến có chuyến thăm một số quốc gia Đông Nam Á sau khi Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN (AMM 45) ở Campuchia thất bại.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và người đồng cấp Campuchia Hor Namhong tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh.      Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và người đồng cấp Campuchia Hor Namhong tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh. Ảnh: Reuters

Ông Marty Natalegawa là một trong những Ngoại trưởng có mặt tại Phnom Penh (Campuchia) vào cuối tuần qua và bày tỏ “sự nuối tiếc sâu sắc” trước thất bại của AMM 45 - một thất bại chưa từng có đối với ASEAN kể từ khi được thành lập vào năm 1967. Ngay sau khi AMM 45 kết thúc mà không có thông cáo chung, ông Natalegawa vẫn khẳng định quyết tâm trong việc thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). “Nếu có điều gì rút ra sau hội nghị này thì đó là việc tôi sẽ kêu gọi mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề xây dựng COC”, ông Natalegawa nói. Ngoại trưởng Natalegawa cũng thừa nhận rằng, trong số 19-20 bản dự thảo thông cáo chung của AMM 45, có 17-18 bản dự thảo nói về Biển Đông. Song, tất cả nỗ lực này đã không nhận được sự thống nhất của toàn thể 10 thành viên. Nay người đứng đầu Bộ Ngoại giao của Indonesia dự kiến đến thăm Philippines, Việt Nam, Campuchia, Singapore và Malaysia để tìm kiếm lập trường chung nhằm giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông.

Báo Bưu điện Jakarta cho biết, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng bày tỏ sự thất vọng về thất bại của Indonesia khi không giúp giải quyết được tranh chấp Biển Đông, cụ thể là tại AMM 45. Phát biểu với báo giới ở Jakarta, Tổng thống Yudhoyono cho biết, ông cảm thấy thất vọng và quan ngại bởi bế tắc của ASEAN là điều chưa từng xảy ra kể từ khi khối này được thành lập. Theo ông Yudhoyono, kết quả trên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ASEAN, khiến cộng đồng quốc tế nhìn nhận rằng, nội bộ khối này đang xuất hiện những rạn nứt. “Báo chí nói rằng, ASEAN có những rạn nứt và không còn thống nhất trong khu vực nữa. Tôi không đồng ý. ASEAN không rạn nứt, vẫn giữ được sự thống nhất bất chấp những vấn đề đang diễn ra và cần được giải quyết”, Tổng thống Yudhoyono nói.  
Indonesia là một trong những thành viên sáng lập ASEAN, giữ trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2011 và đã trao quyền Chủ tịch ASEAN năm 2012 cho Campuchia. Tổng thống Yudhoyono từng nói rằng, ông tin tưởng về ảnh hưởng quốc tế đang gia tăng của Indonesia và Jakarta có thể giúp giải quyết các xung đột ở khu vực. Song, theo Báo Bưu điện Jakarta, xung quanh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, trong vai trò trung gian hòa giải, Indonesia đã đối mặt với những trở ngại khi nỗ lực dung hòa sự khác biệt giữa nhiều thành viên ASEAN. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thừa nhận: Năm ngoái, ASEAN đã giúp giải quyết các vấn đề Myanmar và xung đột giữa Thái Lan với Campuchia. Theo ông Natalegawa, tất cả các thành viên ASEAN đã phối hợp rất tốt trong các vấn đề của khối. “Lần này, vấn đề Biển Đông đã không được giải quyết như mong đợi”, ông Natalegawa nói. Vị Ngoại trưởng này lý giải, Indonesia đã cố gắng kết nối các quan điểm khác biệt. Tuy nhiên, ngay từ lúc hội nghị bắt đầu diễn ra ở Phnom Penh, Indonesia đã nhận ra những trở ngại. Hiện tại, mặc dù Indonesia không giữ ghế Chủ tịch ASEAN nhưng Tổng thống Yudhoyono vẫn có sáng kiến để Jakarta đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Ngoại trưởng Natalegawa nói rằng, chính Tổng thống Yudhoyono đã yêu cầu ông phải đến tất cả các thành viên ASEAN và nỗ lực tạo sự đồng thuận.

Trong lúc đó, các quan chức, các nhà ngoại giao của ASEAN vẫn tiếp tục thể hiện sự lo lắng khi ASEAN bế tắc trong vấn đề Biển Đông. Một nhà ngoại giao nói rằng, nước chủ nhà Campuchia lẽ ra nên thể hiện vai trò lớn hơn nhưng Phnom Penh đã không làm được như thế. Theo Reuters, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phản ứng tức giận trước các nhận định rằng, Trung Quốc đã “mua” sự ủng hộ của Campuchia xung quanh tranh chấp ở Biển Đông. Hãng Reuters một lần nữa nêu con số đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia trong năm 2011 là gần 1,2 tỷ USD, gấp 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào quốc gia Đông Nam Á này. Hãng tin này cho hay, đầu tư và thương mại của Trung Quốc cũng gia tăng ở Myanmar và Lào - các nước láng giềng của Campuchia.

Hãng RIA Novosti cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển Nga ở vùng Viễn Đông ngày 16-7 đã buộc phải nổ súng để ngăn chặn một tàu cá chở 22,5 tấn mực ống cùng 17 thủy thủ người Trung Quốc đang đánh bắt trái phép trong vùng biển của Nga thuộc biển Nhật Bản. Theo phát ngôn viên của Cơ quan Biên phòng địa phương, con tàu đã từ chối dừng lại theo yêu cầu của lực lượng tuần duyên và nỗ lực chạy thoát. Sau 3 giờ truy đuổi, các ngư dân Trung Quốc không đưa ra được giấy tờ nào cho phép họ đánh bắt tại vùng biển nói trên. Song, không ai trong số họ thiệt mạng hoặc bị thương. Các ngư dân Trung Quốc đã bị bắt giữ và tàu cá được lai dắt đến cảng tại thành phố Nakhodka.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.