.

Khủng hoảng Syria vẫn bế tắc

Các cường quốc đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập một Chính phủ chuyển tiếp ở Syria nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng kéo dài 16 tháng qua. Song, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad không thể tiếp tục nắm quyền.

Tại hội nghị ở Geneva (Thụy Sĩ) với sự hiện diện của cả các cường quốc phương Tây lẫn Nga và Trung Quốc vào ngày 30-6, đặc sứ LHQ Kofi Annan cho biết, nên có sự tham gia của Chính phủ Tổng thống Assad và cả phe đối lập trong Chính phủ chuyển tiếp. Hãng Reuters dẫn lời ông Annan nhấn mạnh: Cuộc xung đột phải được giải quyết bằng đối thoại và đàm phán hòa bình.

Trong lúc đó, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, không thể có điều kiện trong quá trình chuyển tiếp rằng ai nên ở lại và ai không nên tham gia Chính phủ mới. Tại hội nghị này, Mỹ và Nga vẫn mâu thuẫn với nhau trong việc xem xét tương lai của ông Assad - người nắm quyền ở Syria suốt 11 năm. Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Nga rằng, người Syria phải tự quyết định việc chuyển tiếp như thế nào hơn là để các nước khác can thiệp vào số phận của họ.

Hãng AFP cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Pháp Laurent Fabius đều thúc giục ông Assad phải từ nhiệm. Ông Assad vẫn luôn khẳng định không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào của nước ngoài.

Tuy nhiên, cuộc họp ở Geneva - vốn được xem là nỗ lực cuối cùng để giải quyết khủng hoảng ở Syria - lại không đưa ra các hành động chi tiết để xây dựng Chính phủ thống nhất của quốc gia Trung Đông này. Phe đối lập ở Syria ngày 1-7 cũng bác bỏ kế hoạch hòa bình của LHQ về một Chính phủ chuyển tiếp, đồng thời cho rằng đây là ý tưởng mơ hồ và lãng phí thời gian.

P.NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.