.

Mỹ cam kết ủng hộ Philippines

Một lần nữa, Mỹ tái khẳng định sự hỗ trợ đối với Philippines trong lúc căng thẳng giữa Manila và Trung Quốc gia tăng sau thất bại của Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN (AMM 45) tại Campuchia.

Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương ngày 16-7 xác nhận cam kết của Washington ủng hộ Philippines trong lúc Manila và Trung Quốc đang căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Hãng AFP dẫn lời ông Ramon Carandang, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, đô đốc Locklear đã gặp gỡ ông Aquino và khẳng định sự ủng hộ của Washington nhằm giúp Manila hiện đại hóa quân đội. Cũng theo AFP, quân đội của Philippines hiện được trang bị kém và là lực lượng yếu nhất trong khu vực. Ông Locklear cũng khẳng định Mỹ sẽ trợ giúp Philippines thiết lập “nền quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu”. Tối 16-7, đô đốc Locklear cũng gặp gỡ các quan chức quốc phòng Philippines.

Trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đăng tải cam kết trên, đồng thời cho rằng Washington muốn giúp Philippines xây dựng khả năng tương tác của các lực lượng phòng vệ. Ngoài ra, ông Locklear còn cảnh báo bất kỳ sự tính toán sai nào trong vấn đề tranh chấp cũng có thể đe dọa đến an ninh khu vực và kêu gọi sự hợp tác giữa Mỹ với Philippines.

Với hiệp định quốc phòng song phương cùng Mỹ, Philippines đang tìm kiếm sự hỗ trợ nhiều hơn của đồng minh từ bên kia đại dương trong lúc Manila và Trung Quốc tranh chấp bãi cạn Scarborough trên Biển Đông. Căng thẳng này càng gia tăng khi tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào tuần trước, Philippines cáo buộc Trung Quốc là “tráo trở” và “đe dọa”.

Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Mỹ sẽ càng làm tình hình Biển Đông “nóng”. Trong lúc đó, bế tắc của ASEAN tại AMM 45 khiến nhiều nhà quan sát lo ngại rằng, đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc dự kiến vào tháng 9 tới về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ trở nên khó khăn. Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) bày tỏ sự ngạc nhiên về việc ASEAN không thể tìm ra một công thức để làm hài lòng các bên. Ông cho rằng, sự việc này minh chứng Trung Quốc đã “tìm được cách phá vỡ tính bền chặt và gây ảnh hưởng với một quốc gia cụ thể”. Vị giáo sư này đề cập đến việc Campuchia đang phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc và cả số tiền hàng triệu USD vốn vay ưu đãi cũng như đầu tư của Bắc Kinh dành cho Phnom Penh. Giám đốc nghiên cứu về châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ Dan Blumenthal nói rằng, nếu ASEAN không có quan điểm chung thì với thế và lực đang trổi dậy của Trung Quốc, chiến thắng sẽ thuộc về cường quốc châu Á này.

Báo chí thế giới cũng lên tiếng về sự thất bại của AMM 45. Báo New York Times dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao ASEAN hoài nghi Trung Quốc đã “mua ghế” Chủ tịch luân phiên ASEAN của Campuchia. Vị quan chức ngoại giao này còn dẫn chứng một bài viết đăng tải trên Tân Hoa xã về việc Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cảm ơn Campuchia về sự ủng hộ “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh. Thực tế, với thất bại của AMM 45, Campuchia bị các nước trong khu vực chỉ trích rằng, Phnom Penh đã vì lợi ích riêng của mình mà phớt lờ lợi ích chung của ASEAN và vô hình trung ủng hộ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Báo Bưu điện Phnom Penh dẫn nguồn từ Hội đồng Phát triển Campuchia cho biết, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2011 đạt 1,192 tỷ USD, tăng 71,8% so với năm trước đó. Điều đáng nói là con số này cao gần 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Cuối tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã trợ giúp Campuchia trang thiết bị trị giá 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN mà Campuchia là nước chủ nhà. Cuối tháng 5, tức chỉ vài ngày trước khi diễn ra AMM 45, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đến thăm Campuchia và cùng Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh ký nghị định thư về hợp tác song phương và Bắc Kinh sẽ giúp Phnom Penh 20 triệu USD để củng cố quốc phòng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.