.

Mỹ giục ASEAN giải quyết tranh chấp với Trung Quốc

.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nước thành viên ASEAN giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Theo bà, ASEAN nên giải quyết tranh chấp mà không có sự ép buộc, không đe dọa, không khiêu khích và không có vũ lực.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (giữa) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) và những người đồng cấp ASEAN tại hội nghị bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN.                                                                  Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (giữa) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) và những người đồng cấp ASEAN tại hội nghị bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN. Ảnh: AFP

Ngày 12-7, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) khai mạc ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) với sự tham dự của cả Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng những người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì và Nhật Bản Koichiro Genba. Cuộc gặp gỡ giữa bà Clinton với ông Dương Khiết Trì diễn ra bên lề ARF, trong lúc Trung Quốc đang có những căng thẳng với các nước Đông Nam Á về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông và căng thẳng với Nhật Bản liên quan đến biển Hoa Đông.

Không đe dọa, không khiêu khích

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Clinton nói rằng, các nước trong khu vực ASEAN nên giải quyết tranh chấp mà không có sự ép buộc, không đe dọa, không khiêu khích và không có vũ lực. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế về đưa ra những đe dọa và ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng đối thoại đa phương. Một lần nữa bà giục thúc đẩy tiến trình Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn bị trì hoãn thời gian dài, nhằm tránh những xung đột xảy ra trên Biển Đông trong tương lai. Bà Clinton khẳng định Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và cũng không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp ranh giới lãnh hải. Song, điều mà Washington quan tâm là tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và không cản trở thương mại trên Biển Đông.

Hãng AFP cho rằng, những diễn biến mới khi các tàu của Trung Quốc tiến về phía đảo tranh chấp với Nhật Bản đe dọa hủy hoại những nỗ lực của ASEAN khi khối này đã cơ bản thống nhất COC. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đi cùng bà H. Clinton xác nhận việc đề cập đến vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc trong cuộc gặp ông Dương Khiết Trì. Hãng AFP cũng dẫn lời các nhà quan sát nhận định: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton muốn thể hiện sự cân bằng trong quan hệ của Washington với các đồng minh Nhật Bản, Philippines và với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Bắc Kinh tức giận khi quan hệ của nước này với Tokyo và Manila đang “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhất là cẳng thẳng trên Biển Hoa Đông khiến Nhật Bản phải triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối. Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lại cho rằng, vụ việc này giống như Trung Quốc đang mỗi ngày càng có hành động khiêu khích hơn.

Theo giới phân tích, căng thẳng bất ngờ ngày 11-7 liên quan đến đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông sẽ làm các nước láng giềng của Trung Quốc xích lại gần hơn với Mỹ, trong đó có Philippines. Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về Đông Nam Á - cho rằng hành động của Trung Quốc chắc chắn càng đẩy Philippines về phía Mỹ.

Đối với quan điểm muốn đàm phán song phương của Trung Quốc, Ngoại trưởng Clinton ủng hộ việc giải quyết song phương “với những vấn đề có thể”. Song, bà cảnh báo các cuộc đàm phán song phương về những vấn đề rộng lớn hơn như tuyến đường biển và quyền đối với các nguồn tài nguyên có thể sẽ là phương thức gây lộn xộn và thậm chí là đối đầu. Yêu cầu đàm phán song phương của Trung Quốc được cho là sẽ bất lợi cho các nước láng giềng nhỏ hơn nếu Bắc Kinh dùng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của mình gây khó khăn.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác” (!?)

Cũng tại cuộc gặp song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, Hãng Reuters cho biết, 2 bên đều biểu thị sự sẵn sàng làm việc cùng nhau để giải quyết “các vấn đề nhạy cảm” nhằm tháo gỡ căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì khẳng định: Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington để trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn những khác biệt, “các vấn đề nhạy cảm” và thúc đẩy quan hệ. Bà H. Clinton đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hợp tác Mỹ - Trung.

Nữ Ngoại trưởng Mỹ đến Campuchia lần này được cho là mang sứ mệnh hòa giải. Reuters nhận định: Cam kết hợp tác của Mỹ và Trung Quốc có thể làm “hạ nhiệt” những căng thẳng trên Biển Đông, nhưng vấn đề hàng hải vẫn rất phức tạp, nhạy cảm và có thể mất nhiều năm mới giải quyết được. Các quan chức Mỹ từng tuyên bố sự ổn định ở Biển Đông, vùng biển có trị giá 5.000 tỷ USD thương mại hằng năm, là mối quan tâm lớn của Washington.

Trong khi đó, Nhật Bản dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với khối ASEAN vào cuối năm 2013 nhằm tăng cường hợp tác an ninh biển. Từ năm 2009, Nhật Bản và ASEAN đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên. Song, hội nghị vào năm tới là hội nghị thứ hai diễn ra ở Nhật, sau hội nghị thứ nhất vào tháng 12-2003.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.