.

Mỹ phải kiềm chế Trung Quốc

.

Những hành động bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm Mỹ quan ngại.

Đội 30 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Trường Sa vào ngày 15-7.          Ảnh: THX
Đội 30 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Trường Sa vào ngày 15-7. Ảnh: THX

Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ vừa khuyến cáo Bộ Quốc phòng nước này nên tăng cường lực lượng đến vùng Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Các chuyên gia của CSIS cho rằng, Washington cần xác định tốt hơn chiến lược của mình để đối phó với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Cụ thể, theo CSIS, Mỹ nên triển khai một quân đoàn thủy quân lục chiến mới đến Thái Bình Dương, tăng cường tàu đổ bộ tấn công, chiến đấu cơ F/A-18, máy bay chiến đấu AV-8B Harrier… Báo cáo của Trung tâm này cũng kêu gọi đưa thêm một tàu ngầm nguyên tử tấn công và các tàu ngầm có thể đồn trú tại đảo Guam, đồng thời dùng để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ quân đội Mỹ của Trung Quốc. Không những thế, CSIS còn cho rằng, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương hiện chưa đủ và không xứng với tiềm lực của một cường quốc hàng đầu thế giới. Các chuyên gia đề nghị mở rộng thêm các hệ thống phát hiện và bắn hạ tên lửa đối phương ở Guam, Nhật Bản và có thể cả Hàn Quốc.

Hãng AP dẫn nguồn tin từ CSIS cho biết, khi Chính phủ của Tổng thống Barack Obama chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á vào năm 2011 vì nhận định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đang trổi dậy. Từ đó đến nay, Mỹ đã đưa lính thủy đánh bộ đến đồn trú tại Úc và 2 tàu đổ bộ ở Singapore, đồng thời thông báo bán lượng nhỏ vũ khí cho các nước đồng minh trong khu vực. CSIS đánh giá: “Ưu tiên số một của Mỹ tại châu Á không phải xung đột với Trung Quốc, mà là tạo ra một môi trường vô hiệu hóa xung đột”. Song, theo giới phân tích, Mỹ không thể không quan ngại trước sự trổi dậy của Trung Quốc, về cả kinh tế lẫn quân sự. Những ngày qua, các nghị sĩ Mỹ cũng đã lên tiếng về hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, thậm chí cho rằng những tuyên bố và sự hung hăng của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Báo cáo của CSIS lần này nhấn mạnh: Qua những hành động mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông và các hòn đảo ở Thái Bình Dương cho thấy, các mối đe dọa an ninh đang phát triển nhanh nhất tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á; từ đó để thấy rằng, Mỹ cần thúc đẩy hơn nữa chiến lược tái cân bằng lực lượng tại những vùng này.

Trong thư kèm theo báo cáo được gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Chủ tịch và Giám đốc điều hành CSIS John Hamre đã đề cập đến sự cấp thiết phải có một chiến lược châu Á để định hình khuôn khổ hành động cho châu Á trong 30 năm tới. Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra ở Washington do CSIS tổ chức vào ngày 27 và 28-6 vừa qua, một số học giả quốc tế đã khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại hội thảo, thượng nghị sĩ Mỹ Joe Liberman cho rằng, việc mời thầu của CNOOC là tuyên bố vô căn cứ và chưa hề có trong tiền lệ. Ông Liberman còn khẳng định: Các lô dầu khí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Trong lúc đó, Trung Quốc đang dựa vào giới khảo cổ học để tìm kiếm bằng chứng nhằm hỗ trợ tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh tuyên bố phát hiện 12 “địa điểm chứa cổ vật văn hóa dưới nước” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo các nhà quan sát, Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng các bằng chứng này để chứng minh quyền sở hữu các hòn đảo tranh chấp.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.