.

Nguy cơ xung đột ở Biển Đông

.

Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế (ICG) cảnh báo: Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ngày càng căng thẳng và có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, các tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc “không có cơ sở trong luật quốc tế”.

Trung Quốc bầu đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa” bất hợp pháp.	                                                                                      Ảnh: AP
Trung Quốc bầu đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa” bất hợp pháp. Ảnh: AP

Báo cáo mới được công bố của ICG - tổ chức có trụ sở ở Brussels (Bỉ) mang tên “Khuấy động Biển Đông: Các phản ứng trong khu vực” cho rằng, tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước liên quan đang tạo ra những nguy cơ. Thậm chí, báo cáo mô tả rằng, các triển vọng giải quyết đang bị thu hẹp dần và rơi vào “ngõ cụt”. Theo AFP, nhận định này được đưa ra sau thất bại của Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia nhưng mới được các hãng tin đăng tải vào ngày 24-7. Vì vậy, báo cáo càng làm dấy lên quan ngại trong lúc Bắc Kinh có những động thái gây hấn với việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”; đồng thời đưa các tàu cá đến bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) - khu vực đang tranh chấp với Philippines, bất chấp sự phản đối của quốc tế và các nước trong khu vực.

Ông Paul Quinn Judge, Giám đốc chương trình châu Á của ICG, cho rằng, khi ASEAN chưa thống nhất được chính sách về Biển Đông thì luật pháp và quy định sẽ không được tuân thủ. Hãng AFP dẫn báo cáo của ICG nhấn mạnh: Trung Quốc tiếp tục mở rộng lực lượng Hải quân cùng lực lượng tuần duyên trong lúc tranh chấp chưa được tháo gỡ và điều này có thể dẫn đến xung đột leo thang.

Hành động cùng tham vọng của Trung Quốc đang vấp phải phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực ASEAN. Hãng AP mô tả động thái của Trung Quốc mang “mục đích lớn”. Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland bày tỏ lo ngại về khả năng có bất kỳ hành động đơn phương nào như vậy. Bà Nuland nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công cán đến châu Á mới đây cũng rất quan ngại về diễn biến căng thẳng trên Biển Đông khi châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành trọng tâm trong các chiến lược của Washington. Trong lúc đó, Thượng nghị sĩ John McCain ra tuyên bố cho rằng, các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là “sự khiêu khích không cần thiết”. Tuyên bố của ông McCain viết: “Quyết định của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai quân đồn trú đến các hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích không cần thiết”. Theo ông McCain, việc Trung Quốc cử đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và biển ở Biển Đông, cụ thể là việc bầu đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I (HĐND) của “thành phố Tam Sa” làm củng cố thêm lý do tại sao rất nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Ông McCain cho rằng, các tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc “không có cơ sở trong luật quốc tế”, đồng thời hành động của Bắc Kinh đáng thất vọng và không phù hợp với một cường quốc có trách nhiệm. Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa khẳng định: Mỹ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.