Ngày 11-7, Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối với Trung Quốc khi tàu tuần tra của Bắc Kinh hiện diện ở gần quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.
Tàu tuần duyên Nhật Bản giám sát tàu của Trung Quốc ở gần đảo Senkaku/ Điếu ngư vào tháng 8-2011. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura xác nhận 3 tàu của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), đó là các tàu Ngư Chính 35001, Ngư Chính 204 và Ngư Chính 202. Theo AFP, Tokyo đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để biểu thị sự phản đối. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông Fujimura khẳng định căn cứ vào lịch sử cùng các điều khoản luật quốc tế thì đảo Senkaku thuộc lãnh thổ của Nhật và đang được nước ông kiểm soát hiệu quả.
Trước những căng thẳng mới, Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản cần tôn trọng “chủ quyền không thể chối cãi” của Bắc Kinh đối với đảo tranh chấp. Bên lề Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh (Campuchia), Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba và tái khẳng định vị trí ở đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Tân Hoa xã cho hay, các tàu tuần duyên của Trung Quốc tiến vào vùng biển để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nguồn thủy sản trong khu vực đặc quyền kinh tế của nước này. Hãng tin này nhấn mạnh đảo tranh chấp và khu vực biển xung quanh đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Các thủy thủ trên 3 tàu ban đầu đã bác yêu cầu của Nhật Bản khi buộc họ phải rời khỏi khu vực tranh chấp.
Thủ đô Tokyo đã công khai ý định mua lại các chuỗi đảo tranh chấp với Trung Quốc từ chủ sở hữu cá nhân người Nhật. Chính quyền thành phố Tokyo đã quyên góp được hơn 1,3 tỷ yen (khoảng 16,3 triệu USD) để mua lại chuỗi đảo. Một quan chức Mỹ cũng tuyên bố rằng, Washington sẽ bảo vệ đồng minh Nhật Bản nếu chiến tranh xảy ra tại Senkaku, theo Hiệp ước hợp tác và an ninh song phương Nhật - Mỹ được ký vào năm 1960.
THIÊN BÌNH