.

Quân đội Campuchia và Thái Lan rút khỏi đền Preah Vihear

.

(ĐNĐT) - Campuchia và Thái Lan đã rút hàng trăm binh sĩ ra khỏi khu vực biên giới tranh chấp tại đền Preah Vihear, sau một phán quyết của tòa án tối cao Liên Hiệp Quốc, thay vào đó, cảnh sát và các nhân viên an ninh sẽ làm nhiệm vụ canh gác.

 Binh sĩ Campuchia tham dự một buổi lễ rút quân khỏi khu vực tranh chấp với Thái Lan gần ngôi đền cổ Preah Vihear, tỉnh Preah Vihear, ngày 18-7-2012.  Ảnh: AFP
Binh sĩ Campuchia tham dự một buổi lễ rút quân khỏi khu vực tranh chấp với Thái Lan gần ngôi đền cổ Preah Vihear, tỉnh Preah Vihear, ngày 18-7-2012. Ảnh: AFP

Ngày 18-7, Tòa án công lý quốc tế (ICJ) đã ra lệnh cho hai nước giải giáp quân đội tại một dải đất liền kề với đền Preah Vihear, nơi xảy ra vụ giao tranh giữa hai bên vào năm 2011.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Banh phát biểu trong một buổi lễ rút quân tại phía Campuchia rằng: “Đã tới thời điểm thích hợp để thực hiện phán quyết của ICJ”, đồng thời ông cũng cảnh báo “hòa bình vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ”.

Gần 500 binh sĩ Campuchia sẽ được rút ra khỏi vùng chung quanh ngôi đền nhưng sẽ thay thế bằng 250 cảnh sát và 100 nhân viên bảo vệ tới canh gác ngôi đền cổ có từ thế kỷ 11.

Về phía Thái Lan, Phó Thủ tướng Yutthasak Sasiprapa cho biết, Bangkok cũng rút hết binh sĩ và thay thế bằng lực lượng tuần tra biên giới.

Ông Sasiprapa cho biết, hai phía sẽ thiết lập một nhóm phối hợp để cùng làm việc với nhóm các quan sát viên Indonesia. Jakarta sẽ điều tới đó một nhóm quan sát viên để giám sát tình hình tại một khu vực rộng 4,6 km2.

Vào tnăm 2011, Campuchia và Thái Lan đã có một số cuộc giao tranh ở chung quanh ngôi đền, làm thiệt mạng 18 người ở cả hai phía.

Quyết định của ICJ ra đời sau khi Campuchia phát động một cuộc chiến pháp lý trước phiên toàn vào cuối tháng 4-2011.

Phía Thái lan không tranh cãi về quyền sở hữu của Campuchia đối với ngôi đền, nhưng cả hai phía lại tuyên bố phần đất tiếp giáp ngôi đền thuộc về chủ quyền của mình.

Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan cho rằng, việc rút quân không phải là tín hiệu xuống nước đối với vùng đất tranh chấp, mà thay bằng một cam kết ngoại giao nhằm xoa dịu quan hệ hai nước trước khi Cộng đồng thương mại Đông Nam Á ra đời vào năm 2015.

Quang Hiển (theo CNA)

;
.
.
.
.
.