.

Thảm họa Fukushima do con người

.

Báo cáo mới nhất và là kết quả điều tra cuối cùng của một Ủy ban thuộc Quốc hội Nhật Bản cho rằng, thảm họa Fukushima là do con người trong khi vụ việc này có thể dự đoán, ngăn chặn được.

Một bé gái được kiểm tra phóng xạ tại tỉnh Fukushima.                                                   Ảnh: AFP
Một bé gái được kiểm tra phóng xạ tại tỉnh Fukushima. Ảnh: AFP

Ủy ban Điều tra độc lập về thảm họa hạt nhân Fukushima ngày 5-7 công bố báo cáo cuối cùng về khủng hoảng Fukushima sau khi các quan chức hàng đầu trong Chính phủ và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) điều trần.

Hãng Reuters dẫn báo cáo cho rằng, khủng hoảng tại nhà máy hạt nhân Fukushima là thảm họa do con người bởi nó có thể được dự đoán và ngăn chặn. Báo cáo dày 641 trang đề cập đến sự thiếu sót của cả Chính phủ lẫn TEPCO. “Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima là kết quả của sự thông đồng giữa Chính phủ, những nhà quản lý và TEPCO, đồng thời thiếu sự quản lý của các bên”, báo cáo nêu rõ. Ủy ban Điều tra còn nhấn mạnh: “Họ đã phản bội quyền được an toàn của đất nước trong những sự cố hạt nhân. Vì vậy, chúng tôi kết luận sự cố rõ ràng là do con người tạo ra”. Cũng theo Ủy ban này, nguyên nhân cốt lõi do các hệ thống điều khiển và tổ chức đã ủng hộ cho những quyết định và hành động sai trái, chứ không liên quan đến năng lực của bất kỳ cá nhân cụ thể nào.

Báo cáo trên có được sau 6 tháng điều tra, với hơn 900 giờ lắng nghe, thẩm vấn 1.167 người. Ủy ban Điều tra được thành lập vào năm ngoái, gồm 10 thành viên. Trong các tuyên bố trước đây, Ủy ban này đã chỉ trích cựu Thủ tướng Naoto Kan, người đã lãnh đạo Chính phủ vào thời điểm xảy ra trận động đất 9 độ Richter, kéo theo sóng thần và thảm họa hạt nhân. Theo đánh giá, phản ứng của Chính phủ lúc đó quá chậm, không có sự chuẩn bị và trì hoãn việc công khai thông tin với công chúng. Với việc Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại nặng nề - vụ việc được xem là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ vụ Chernobyl ở Ukraine vào năm 1986. Ông Kan đã từ nhiệm vào tháng 9 năm ngoái và người kế nhiệm là ông Yoshihiko Noda.

Trong khủng hoảng Fukushima, hàng ngàn người đã được sơ tán khỏi vùng rò rỉ phóng xạ. Đến tháng 12-2011, TEPCO tuyên bố các lò phản ứng đã ổn định.  

Cũng trong ngày 5-7, đơn vị số 3 của Nhà máy Kansai đã trở thành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên kể từ thảm họa hồi tháng 3-2011 bắt đầu phát điện. Việc khởi động này được thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Noda dù vấp phải sự phản đối của người dân. Đơn vị số 4 của Kansai sẽ phát điện vào cuối tháng này. Theo AP, Chính phủ Nhật kỳ vọng sẽ có thêm nhiều lò phản ứng trong số 50 lò sớm khởi động để phục vụ cho nhu cầu năng lượng ở nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới. Trước khi xảy ra khủng hoảng, 1/3 nhu cầu điện năng của Nhật Bản xuất phát từ các nhà máy hạt nhân.

Song, AP nhận định: Báo cáo của Ủy ban Điều tra có thể làm phức tạp những nỗ lực của Chính phủ trong việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Trong tháng 6 vừa qua, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra bên ngoài Văn phòng Thủ tướng nhằm phản đối việc cho phép các lò phản ứng hoạt động trở lại.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.