Lần đầu tiên trong lịch sử gần nửa thế kỷ hình thành ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng của khối này (AMM 45) kết thúc mà không có thông cáo chung. Những câu hỏi đặt ra: Đây là vấn đề song phương như cách lý giải của nước chủ nhà Campuchia hay do Trung Quốc vốn “dị ứng” với cách tiếp cận đa phương? Đằng sau việc ASEAN không tìm được tiếng nói chung là gì? Một số Ngoại trưởng và chuyên gia về châu Á cho rằng, dù nguyên nhân gì đi nữa nhưng sự việc lần này đánh dấu thất bại của Campuchia khi Phnom Penh tỏ rõ sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (giữa) trao đổi với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa bên lề hội nghị ASEAN. Ảnh: Reuters |
Campuchia vì lợi ích riêng
Khoảng 19-20 bản thảo thông cáo chung đã lần lượt được đưa ra. Vậy mà các Ngoại trưởng tham dự AMM 45 lại ra về “tay trắng”. Song, không phải ngẫu nhiên mà AMM 45 lại kết thúc như vậy. Bất đồng đã nảy sinh sau khi Campuchia không chấp nhận đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông vào thông cáo chung.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói rằng, “tranh chấp ở Biển Đông là chuyện song phương của một số nước ASEAN với Trung Quốc, chứ không phải của cả khối”. Lý giải của ông xem ra trùng với quan điểm của Trung Quốc. Không những thế, ông này còn nhận định: “Cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN không phải là một phiên tòa, cũng không phải là nơi đưa ra phán quyết về tranh chấp” (!?). Rồi Campuchia đổ lỗi cho tất cả các thành viên ASEAN trong việc AMM 45 không có thông cáo chung. Song, thực tế thì sự điều phối thiếu trách nhiệm và e dè của Phnom Penh khi lo sợ mất hàng tỷ USD viện trợ từ Trung Quốc đã đẩy ASEAN vào thế khó. Không có thông cáo chung, tất cả các tuyên bố khác đạt được tại hội nghị đều bị trì hoãn. Đó là chưa kể sự bất đồng về vấn đề lớn nhất - vấn đề Biển Đông có thể khiến quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 bị chậm lại. Vô hình trung, vì lợi ích của riêng mình, Campuchia đã phớt lờ lợi ích chung của ASEAN và ủng hộ cho “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Với tranh chấp về chủ quyền ở bãi cạn Scarborough, Philippines đã phản đối kết quả của AMM. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định Manila vẫn giữ quan điểm đàm phán đa phương. Còn Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng, “thật vô trách nhiệm nếu chúng ta không thể đưa ra thông cáo chung về Biển Đông”. Nhưng phản ứng của Philippines và của cả Indonesia cũng không làm xoay chuyển tình thế.
Nguy cơ chia rẽ
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton luôn kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp trên cơ sở đàm phán đa phương. Tuy nhiên, Trung Quốc bác giải pháp này và muốn đơn thuần nghị sự song phương với từng nước liên quan. Thực tế, trước và trong khi diễn ra AMM 45, Trung Quốc có cả những tuyên bố trái ngược nhau lẫn những hành động phi lý: Một mặt khẳng định ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp, một mặt thì mập mờ rằng “sẽ thảo luận việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với ASEAN khi các điều kiện đã chín muồi”, một mặt công bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đồng thời cho Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí hoàn toàn nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Trung Quốc không những đã đạt được mục tiêu ngăn chặn một thông cáo chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông mà còn tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ của một hiệp hội vốn luôn thống nhất. Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho rằng, thất bại của AMM 45 đặt ra câu hỏi căn bản dành cho ASEAN. Chuyên gia này quan ngại về việc các thế lực bên ngoài có thể sẽ còn can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN nếu các thành viên Đông Nam Á không đoàn kết, không thống nhất như trước nữa.
Từ năm 2002 đến nay - tức thời điểm ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) tại Campuchia, bản tuyên bố này chưa bao giờ được thực thi đầy đủ. 10 năm trôi qua, tiến trình từ DOC đến COC vẫn bế tắc. Giới phân tích ở châu Á cho rằng, chương trình nghị sự dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới giữa ASEAN - Trung Quốc cũng không có triển vọng tươi sáng gì.
"Chúng ta đã chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển của LHQ 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển của LHQ 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)" (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh) |
VĨNH AN