.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Trung Quốc lại gây hấn

.

Khi ASEAN vừa đạt sự đồng thuận về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc lại tuyên bố sẽ điều một đơn vị quân sự đồn trú đến cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Tàu cá Trung Quốc tiến vào gần đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.                                                                                              Ảnh: THX
Tàu cá Trung Quốc tiến vào gần đảo đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: THX

Động thái của Trung Quốc mâu thuẫn với tuyên bố ngay trước đó (tức thời điểm ASEAN công bố nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông) của nước này rằng, Bắc Kinh nỗ lực cùng các nước ASEAN duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Bắc Kinh sẵn sàng cùng các nước ASEAN thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả, đồng thời tham vấn để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

COC là điều mà các thành viên ASEAN đang hướng đến khi trên Biển Đông hiện có những tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Sự đồng thuận của ASEAN với nguyên tắc 6 điểm tưởng như sẽ làm Biển Đông lặn sóng. Nguyên tắc 6 điểm được xây dựng nhằm bù đắp việc thiếu hụt thông cáo chung của Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN (AMM 45) tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Nguyên tắc này bao gồm: thực hiện đầy đủ DOC; hướng dẫn thực hiện DOC; sớm đạt được COC; tôn trọng các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế thừa nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng bạo lực; giải quyết các tranh chấp theo hướng hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Giới phân tích cho rằng, sự đồng thuận của ASEAN sẽ giúp tháo gỡ căng thẳng. Yang Baoyun, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trường Đại học Peking, cho rằng nguyên tắc 6 điểm có thể tạm bình ổn được tình hình trên Biển Đông, giúp khôi phục tính trung tâm của ASEAN và minh chứng cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, hiệp hội này vẫn giữ được sự thống nhất. Và như thế, nỗ lực của Ngoại trưởng Indonesia Mart Natalegawa với vai trò trung gian trong chuyến ngoại giao con thoi đã được đền đáp xứng đáng.

Tuy nhiên, với tuyên bố sẽ điều một đơn vị quân sự đồn trú đến cái gọi là “thành phố Tam Sa”, Trung Quốc đang khuấy động căng thẳng trên Biển Đông, đồng thời càng thể hiện tính 2 mặt “nói một đường, làm một nẻo” của cường quốc này. Hãng Tân Hoa xã cho biết, Bộ chỉ huy quân đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” sẽ là Bộ chỉ huy cấp phân khu, thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam, chịu trách nhiệm quản lý việc huy động các đơn vị quốc phòng, lực lượng dự bị và tiến hành các chiến dịch quân sự. Động thái này cộng với việc 30 tàu cá của Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển gần đảo đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, càng cho thấy Bắc Kinh đang lấn thêm một bước nữa trong ý đồ quân sự hóa Biển Đông nhằm độc chiếm vùng biển quốc tế này.

Trung Quốc từng khẳng định sẽ thảo luận với ASEAN về COC khi “thời điểm chín muồi”. Vậy mà khi ASEAN có sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc nói ngược lại. Ông Vikram Singh ở Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, đây chính là “thời điểm chín muồi” để Bắc Kinh thực hiện cam kết của mình. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược.

Philippines cũng không nhân nhượng trước sự gây hấn của Trung Quốc. Hôm nay (23-7), Quốc hội Philippines sẽ họp để thảo luận việc đưa việc tranh chấp với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough ra tòa án quốc tế về Luật Biển. Chính phủ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng phản ứng dữ dội về việc tàu cá Trung Quốc tiếp tục xuất hiện dày đặc ở bãi cạn Scarborough vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.