.
Thế giới tuần qua

Trung Quốc - tác nhân căng thẳng Biển Đông

.

Các chuyên gia nước ngoài và các thượng nghị sĩ Mỹ liên tục chỉ trích Trung Quốc về những hành động gây hấn trên Biển Đông, thậm chí cho rằng Bắc Kinh là tác nhân gây căng thẳng ở vùng biển này.

Tàu của Philippines ở gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc.                                                                                                  Ảnh: AFP
Tàu của Philippines ở gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc. Ảnh: AFP

Những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến các nghị sĩ Mỹ lo ngại. Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, là một trong những người lên án Trung Quốc mạnh mẽ nhất. Ông cho rằng, những hành động của cường quốc châu Á đã vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại chính những tuyên bố của nước này. Ông Jim Webb đã dùng từ “hung hăng” để mô tả hàng loạt hành động liên quan đến quân đội Trung Quốc, như việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Thậm chí, ông nói rằng, đây là “hành động đơn phương vô căn cứ” và việc đưa dân cùng quân đội ra đồn trú ở khu vực có tranh chấp chủ quyền không được luật pháp quốc tế công nhận.

Quan điểm giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương của Trung Quốc cũng không nhận được sự đồng tình của các nghị sĩ Mỹ. Theo ông Jim Webb, nếu giải quyết bằng đàm phán song phương sẽ có lợi cho một nước lớn như Trung Quốc. Song, ông nhận định: Giải pháp này đi ngược lại với tuyên bố với chính Bắc Kinh rằng, họ sẵn sàng đàm phán cùng ASEAN để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Không chỉ thượng nghị sĩ Jim Webb, mà thượng nghị sĩ John McCain cũng đã gọi hành động của Trung Quốc là “đơn phương” và “gây lo ngại”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuy phản ứng rất thận trọng nhưng cũng chỉ trích rằng, Trung Quốc đang hành động đơn phương.

Đến nay, tất cả các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông đều lên tiếng tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của họ và vi phạm quyền quốc tế. Thị trưởng thành phố tự trị Kalayaan của Philippines, ông Eugenio Bito-onon, cho rằng ngư dân Trung Quốc đánh bắt tại đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, đang tận diệt san hô, gây tổn hại đến sinh thái môi trường biển. Philippines luôn giữ thái độ cứng rắn với Trung Quốc đối với tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), thậm chí Manila còn đòi đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế. Tuần qua, Manila cũng đã phản ứng bằng những tuyên bố mạnh mẽ, trong đó có việc tăng cường tiềm lực quân sự… Điều đáng nói là Trung Quốc đã và đang bất chấp mọi dư luận, mọi phản ứng, cho dù ngay cả các học giả Trung Quốc cũng kêu gọi Bắc Kinh nên từ bỏ chính sách tàu chiến vốn gây ra xung đột và tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông.

GS Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, lên án Trung Quốc bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng và việc làm của Bắc Kinh đã làm sụp đổ mối quan hệ 20 năm của nước này với ASEAN. Đặc biệt, GS Mahbubani còn nói rằng, “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra có thể chỉ là “cái cùm lớn” đeo vào cổ Trung Quốc.

Trung Quốc có đại sứ đầu tiên tại ASEAN

Bà Dương Tú Bình vừa đến thủ đô Jakarta (Indonesia) để đảm nhận nhiệm vụ đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại ASEAN.

Hãng Tân Hoa xã dẫn lời bà Dương Tú Bình cho biết, bà sẽ phối hợp với các bạn bè và đồng nghiệp thuộc tất cả các giới để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc với ASEAN. Bà Dương Tú Bình còn nói rằng, việc thành lập phái bộ ngoại giao tại ASEAN và cử đại sứ đến Jakarta là các bước quan trọng để tăng cường hoạt động trao đổi đã được cơ chế hóa giữa Trung Quốc với ASEAN, đồng thời phản ánh việc Bắc Kinh coi trọng quan hệ với hiệp hội này. Trước đó, bà Dương Tú Bình là đại sứ tại Sri Lanka và Maldives.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.