.

Thỏa thuận chuyển tiếp ở Syria: Nga cáo buộc phương Tây

.

Nga cáo buộc phương Tây bóp méo thỏa thuận chuyển giao chính trị ở Syria sau khi đặc sứ quốc tế Kofi Annan cho rằng, việc ngừng bắn để thực hiện tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông này là điều bắt buộc.
 

Một người dân Syria bị thương ở Qusayr, gần thành phố Homs.          Ảnh: AFP
Một người dân Syria bị thương ở Qusayr, gần thành phố Homs. Ảnh: AFP

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, thỏa thuận tại Geneva (Thụy Sĩ) vào cuối tuần qua dựa trên đề xuất của ông Annan là bước đi quan trọng và các thành viên LHQ cần tuân thủ tuyên bố chung. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, hội nghị Geneva đã tạo ra những cơ hội tốt và cộng đồng quốc tế cần tận dụng để ràng buộc tất cả các bên ở Syria chấm dứt bạo lực, cùng ngồi vào bàn đàm phán. Song, ông lại chỉ trích một số nước phương Tây đã đưa ra những tuyên bố công khai bóp méo thỏa thuận đạt được và khiến phe đối lập ở Syria tẩy chay kết quả của hội nghị.

Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov cho biết, ông sẽ gặp các thủ lĩnh đối lập của Syria tại Mátxcơva vào tuần tới và tận dụng cơ hội để thảo luận khả năng sớm chấm dứt bạo lực, đồng thời khởi động đối thoại giữa Chính phủ Damascus với tất cả các nhóm đối lập ở đất nước Trung Đông này. Cuối tuần qua, các cường quốc đã thống nhất kế hoạch chuyển tiếp ở Syria. Tuy kế hoạch không đề cập đến việc kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức nhưng phương Tây sau đó nói rằng không muốn thấy nhà lãnh đạo này trong một Chính phủ thống nhất.

Nhật báo Kommersant của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao của Mátxcơva cho hay, các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu vẫn đang tiếp tục tìm cách thuyết phục Nga ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Assad. Tuy nhiên, cũng như Trung Quốc, đến nay Nga vẫn không chấp nhận điều này mặc dù Điện Kremlin có lúc xem cơ hội chính trị của ông Assad chỉ còn 10%.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tiết lộ Nga sẽ không tham dự hội nghị “Những người bạn của Syria” được tổ chức tại thủ đô Paris vào ngày 6-7. Theo ông Fabius, điều này không gây ngạc nhiên bởi Mátxcơva vốn là đồng minh của Damascus. Cả Nga lẫn Trung Quốc đã không tham dự các cuộc họp trước đó của nhóm này.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland nhận định: Nga có quyền tự do để quyết định việc đến Paris hay không. “Cánh cửa vẫn mở ra nếu họ (Nga) muốn tham gia”, bà Nuland nói. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này có mặt ở Paris cùng các phái đoàn của hơn 100 quốc gia khác. Đây sẽ là lần thứ ba các nước trên thế giới nhóm họp và bàn về vấn đề Syria sau các cuộc gặp gỡ lần thứ nhất ở Tunis (Tunisia) vào tháng 2-2012, lần thứ hai tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 4.

Đặc sứ LHQ Annan vẫn cho rằng, việc ngừng bắn là động thái bắt buộc ở Syria khi có đến 77 người thiệt mạng vào ngày 3-7. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ vốn căng thẳng với Syria sau vụ máy bay của Ankara bị bắn hạ, nước này đang hậu thuẫn cho lực lượng đối lập của nước láng giềng. Theo đó, các nhóm nổi dậy ở Syria có thể vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và nhận được sự ủng hộ về hậu cần. Song, Ankara bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho phiến quân.

THIÊN BÌNH
 

;
.
.
.
.
.