.

Trung Quốc khấy động Biển Đông

.

Thượng nghị sĩ Jim Webb của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng, các hành động của Trung Quốc nhằm đơn phương khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông đang vi phạm luật quốc tế.

Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.  Ảnh: TTXVN
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sau khi thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và sau những quan ngại của Ngoại trưởng Hillary Clinton, nay thượng nghị sĩ Jim Webb cũng lên tiếng, kêu gọi Bộ Ngoại giao nước này làm rõ tình hình và báo cáo với Quốc hội. Ông Webb là người đầu tiên trong các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ Nghị quyết của Thượng viện Mỹ vào tháng 6-2011 lên án Trung Quốc. Trong Nghị quyết đó, Thượng viện Mỹ đã phản đối dùng vũ lực trên Biển Đông, kêu gọi giải pháp hòa bình và đa phương để giải quyết tranh chấp.

Lần này, thượng nghị sĩ Webb gọi việc Trung Quốc thành lập chính quyền trên khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là “hành động đơn phương, vô căn cứ”. Theo ông, Trung Quốc vốn phản đối việc đàm phán vấn đề Biển Đông theo hình thức đa phương mà chủ trương giải quyết song phương bởi Bắc Kinh chiếm ưu thế hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. “Có thể thấy rằng, đây là hành động vi phạm luật quốc tế”, ông Webb nói. Nhà lập pháp của Mỹ còn nhận định: Điều này đi ngược lại với chính tuyên bố của Trung Quốc rằng sẵn sàng hợp tác với ASEAN để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thực tế, không phải chỉ riêng ông Webb có nhận xét như vậy. Trước đó, những tuyên bố cùng hành động mâu thuẫn của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực cùng các chuyên gia, giới quan sát đều cho rằng, Bắc Kinh “nói một đường, làm một nẻo”.

Không những thế, ông Webb, thượng nghị sĩ McCain cùng các nghị sĩ khác như John Kerry, James Inhofe, Richard Lugar, Joe Lieberman đã công bố nghị quyết kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đàm phán trở lại để hoàn tất COC. Nghị quyết này không chỉ ủng hộ tiến trình COC mà còn khẳng định cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ ASEAN. Các nghị sĩ thúc giục các bên cần kiềm chế trong những hành động có thể làm tình hình thêm phức tạp và căng thẳng leo thang, ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực. Theo ông John Kerry, từng là ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2004, việc ASEAN không có tuyên bố chung khiến tình hình thêm căng thẳng và vì thế, các nghị sĩ thấy cần thiết phải tham gia vào vấn đề ở Biển Đông.

Theo Hãng Reuters ngày 26-7, Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trong các tranh chấp trên Biển Đông. Hãng tin này dẫn bài viết của thuyền phó tàu hải giám Hứa Chí Dung đăng trên tạp chí China Eye, ấn phẩm của Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong, đổ lỗi cho Mỹ trong căng thẳng ở Biển Đông (!?). Ông Hứa Chí Dung cho rằng, đây là hậu quả chiến lược quay lại châu Á của Mỹ. Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích chính sách an ninh ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài đều tin rằng, Trung Quốc đang muốn tránh xung đột quân sự trên tuyến đường biển vốn là xương sống vận chuyển hàng hóa khoảng 5.000tỷ USD/năm, nhất là trước khả năng có sự can thiệp của Mỹ.

Trong khi đó, Philippines tuyên bố sẽ không để rơi vào cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông. Báo Philippine Star dẫn lời ông Edwin Lacierda, người phát ngôn của Tổng thống Benigno Aquino, nói rằng Philippines sẽ tiếp tục thảo luận hòa bình với Trung Quốc và thực hiện các giải pháp ngoại giao để tránh xung đột leo thang liên quan đến vùng tranh chấp - bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham). Ông Lacierda bày tỏ hy vọng về một giải pháp ngoại giao và đa phương cho bế tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia vừa qua.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.