Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi nói rằng, việc ông yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng quân đội - 2 tướng lĩnh hàng đầu - nghỉ hưu là vì lợi ích quốc gia.
Tổng thống Mohamed Mursi (giữa) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Hussein Tantawi (bìa trái) và Tổng tham mưu trưởng quân đội Sami Anan trong một buổi lễ tại Cairo. Ảnh: Reuters |
Chính trường Ai Cập đang chấn động mạnh khi Tổng thống Mursi tiến hành ”thay máu” quân đội. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hussein Tantawi (76 tuổi) và Tham mưu trưởng quân đội Sami Annan (64 tuổi) bị thay thế. Tân Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng vừa được ông Mursi chỉ định là Tướng Abdel Fattah al-Siri (57 tuổi) và Tướng Sidki Sobhi (56 tuổi). Tổng thống Mursi cũng hủy bỏ Tuyên bố hiến pháp được Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) thông qua vào ngày 17-6 vừa qua, văn kiện này trao quyền cho quân đội Ai Cập kiềm chế quyền lực của ông.
Hãng Reuters cho biết, phát biểu nhân tháng lễ Ramadan, Tổng thống Mursi nhấn mạnh: Quyết định của ông không nhằm vào các cá nhân nhất định hoặc thu hẹp các quyền tự do. Nhà lãnh đạo này nói rằng, ông không gửi “thông điệp tiêu cực” vào bất kỳ ai, mà vì lợi ích của quốc gia và nhân dân. Ông Mursi vừa được bầu làm Tổng thống vào tháng 6 vừa qua, quyết định lần này của ông đã gây sốc bởi 2 vị tướng phải từ nhiệm là các quan chức hàng đầu trong quân đội. Đến khi ông Mursi đắc cử Tổng thống, ông Hussein Tantawi vẫn là người cai quản Ai Cập với tư cách là người đứng đầu SCAF, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng suốt 20 năm dưới thời Tổng thống Mubarak. Còn ông Sami Annan đặc biệt thân thiết với Bộ Quốc phòng Mỹ vốn được biết là nhà tài trợ chính cho quân đội Ai Cập với khoản viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD hằng năm. Tuần trước, ông Mursi đã sa thải Thống đốc Bắc Sinai và Giám đốc Cơ quan Tình báo.
Chưa có thông tin ông Tantawi chấp nhận rời bỏ cương vị. Theo Reuters, lý do để ông Mursi gạt 2 tướng lĩnh hàng đầu là vụ 16 binh sĩ Ai Cập bị sát hại ở chốt kiểm soát trên bán đảo Sinai giáp biên giới Israel vào ngày 5-8. Vụ mới nhất xảy ra ngày 13-8, một nhóm tay súng vũ trang đã bắn chết một thủ lĩnh bộ tộc cùng con trai của ông này cũng trên bán đảo Sinai.
Ông Mursi là thành viên của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Quan hệ giữa Hồi giáo với quân đội trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào năm ngoái. Yasser Ali, người phát ngôn của ông Mursi, mô tả đây là “quyết định vì chủ quyền” nhằm “thay máu quân đội”. Song, giới phân tích cho rằng, đây là cuộc đấu tranh quyền lực giữa tân Tổng thống với các tướng lĩnh - những người đã nắm quyền nhiều năm ở Ai Cập. Đồng thời, thực chất những diễn biến này là bước đầu tiên để Ai Cập thành lập một nhà nước dân sự. Hàng ngàn người biểu tình đã tập trung ở Quảng trường Tahrir tại Cairo để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Mursi.
Mahmoud Ghozlan, quan chức cấp cao của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, nhận định rằng Ai Cập tồn tại chế độ “2 đầu” (Tổng thống và quân đội lãnh đạo) và Tổng thống phải hành động để khôi phục quyền lực đầy đủ của mình từ tay Hội đồng quân sự.
BÌNH YÊN