.

Anh dọa vào Đại sứ quán Ecuador bắt ông chủ WikiLeaks

.

(ĐNĐT) - Ecuador vừa lên tiếng tố cáo Anh dọa sẽ vào Đại sứ quán Ecuador tại London để bắt Julian Assange nếu Ecuador không chịu chuyển giao nhà sáng lập WikiLeaks cho Anh.

Julian Assange.jpg
Cảnh sát Anh đứng trước Đại sứ quán Ecuador tại London. Ảnh: Reuters.
111029102606-julian-assange-story-top.jpg
Julian Assange, người đang ẩn náu bên trong Đại sứ quán Ecuador. Ảnh: Getty

Assange đã ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador tại London trong hơn hai tháng qua.

Chính phủ Ecuador cho biết, một vụ lục soát như vậy sẽ bị coi là “một hành động thù địch và không thể tha thứ” và vi phạm chủ quyền của nước này.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Anh cho biết: “Theo luật pháp của Anh, chúng tôi có thể thông báo cho họ một tuần trước khi đi vào khu vực đại sứ quán, lúc đó đại sứ quán sẽ không còn sự bảo vệ về mặt ngoại giao nữa".

Phát ngôn viên còn cho rằng, Anh vẫn muốn một giải pháp ngoại giao có thể chấp nhận được hơn là phải tiến hành lùng sục Đại sứ quán Ecuador.

Ecuador đã nổi giận trước lời đe dọa của Anh và cho biết sẽ công bố quyết định về đơn xin tỵ nạn của Assange vào lúc 7 giờ sáng thứ Năm, 16-8 (12:00 GMT).

Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador, Ricardo Patino đã có những tuyên bố đầy giận dữ sau một cuộc họp với Tổng thống Rafael Correa rằng: “Chúng tôi muốn nói một cách rất rõ ràng, rằng chúng tôi không phải là thuộc địa của Anh. Thời đại thuộc địa đã qua”.

Ông Patino cho rằng, nếu Anh thực hiện lời đe dọa đó thì Ecuador sẽ coi là một hành động thù địch, không thân thiện và không thể tha thứ, cũng như tấn công vào chủ quyền của nước này. Sự việc đó sẽ buộc Ecuador có hành động đáp trả ngoại giao mạnh mẽ nhất.

Chính phủ Ecuador cũng đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp các bộ trưởng của khối Nam Mỹ và Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), nơi Ecuador là thành viên, để tìm kiếm sự ủng hộ.

Phái bộ Ecuador tuyên bố trên website của mình rằng: “Chúng tôi thật sự bị sốc với đe dọa của Chính phủ Anh vì nó chống lại chủ quyền của Đại sứ Ecuador. Điều này rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế và công ước Vienna”.

Hiện tại, Đại sứ quán đang được giám sát chặt chẽ, với 3 cảnh sát canh cổng ra vào, một số khác tuần tiễu chung quanh tòa nhà.

Một số những người ủng hộ Assange đã tụ tập bên ngoài khu vực sứ quán để yêu cầu trả tự do cho Assange và họ truyền trực tiếp hình ảnh tại đó lên mạng Internet.

Các công tố viên Thụy Điển hiện vẫn chưa buộc tội Assange, tuy nhiên, họ đang xúc tiến công việc bằng các cuộc điều tra và họ tin sẽ đưa được Assange ra tòa.

Assange còn sợ Thụy Điển có thể đưa ông đến Mỹ, nơi ông sẽ bị chính quyền xử phạt vì đã công bố hàng nghìn bức điện mật ngoại giao lên mạng Internet vào năm 2010, một vụ việc lớn làm bẽ mặt Washington.

Nếu được phép tỵ nạn, Assange có ít cơ hội rời khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London mà không bị bắt.
Chính phủ Ecuador từng nói rằng họ muốn tránh cho Assange bị dẫn độ đến Thụy Điển, tuy vậy việc chấp thuận cho tỵ nạn sẽ không được luật pháp Anh bảo vệ. Cảnh sát Anh sẽ bắt giữ Assange một khi họ có cơ hội.

Một cựu luật gia của chính phủ Anh nói rằng: “Xin tị nạn chẳng qua là một cách đánh lạc hướng dư luận”.

Quang Hiển (theo Reuters, BBC)

;
.
.
.
.
.