.

Đông Bắc Á không yên tĩnh

.

Việc nội các Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni vào ngày 15-8 làm căng thẳng giữa Tokyo với Trung Quốc và Hàn Quốc trở nên leo thang. Trong khi đó, Seoul còn yêu cầu Tokyo phải giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến.

Bộ trưởng Đất đai và Giao thông Yuichiro Hata (thứ hai, từ trái sang) cùng các nghị sĩ đến thăm đền Yasukuni.                                                           Ảnh: AFP
Bộ trưởng Đất đai và Giao thông Yuichiro Hata (thứ hai, từ trái sang) cùng các nghị sĩ đến thăm đền Yasukuni. Ảnh: AFP

Căng thẳng mới giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc xảy ra trong lúc cả ba nước đang có những tranh chấp về chủ quyền và chỉ một ngày trước, Tổng thống Lee Myung-bak yêu cầu Nhật hoàng Akihito phải xin lỗi nếu muốn đến thăm quốc gia phía Nam trên bán đảo Triều Tiên này. Ngày 15-8, Hàn Quốc kỷ niệm 67 năm Ngày Quốc khánh, đánh dấu kết thúc sự cai trị của Tokyo trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945 và Nhật Bản cũng kỷ niệm 67 năm ngày chấm dứt chiến tranh.

Thăm ngôi đền gây tranh cãi

Chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng quốc gia Nhật Bản Jin Matsubara sáng 15-8 đã đến thăm đền Yasukuni, vốn được xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong quá khứ và là nơi tưởng niệm 2,5 triệu người chết trong Thế chiến thứ hai, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh loại A (theo phán quyết của Tòa án quân sự Viễn Đông). Ông Matsubara là Bộ trưởng đầu tiên đến đền Yasukuni kể từ khi Đảng Dân chủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda nắm quyền vào năm 2009 với cam kết hâm nóng lại quan hệ với các nước châu Á. Ngay sau đó, Bộ trưởng Đất đai và Giao thông Yuichiro Hata cũng đến Yasukuni mặc dù Thủ tướng Noda trước đó đã yêu cầu nội các tránh đến thăm ngôi đền gây nhiều tranh cãi này.

Trong nhiệm kỳ 2001-2006, Thủ tướng Junichiro Koizumi lúc đó đã đến đền Yasukuni và gây phản ứng tức giận đối với cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc. Ngày 14-8, Seoul cũng kêu gọi các Bộ trưởng Nhật Bản không nên đến thăm ngôi đền này trong Ngày Quốc khánh của Hàn Quốc. Song, trước động thái của nội các Nhật Bản, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ sự nuối tiếc và gọi chuyến thăm là “hành động thiếu trách nhiệm”.

Theo Hãng Yonhap, sự hiện diện của 2 Bộ trưởng Nhật tại Yasukuni càng làm xấu đi quan hệ giữa Tokyo với Seoul, vốn căng thẳng kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak bất ngờ đến thăm đảo Dokdo/Takeshima vào ngày 10-8 vừa qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang cho rằng, Nhật Bản nên xem xét nguyên nhân các chuyến thăm như thế lại gây thất vọng cho các nước châu Á.

Giải quyết vấn đề nô lệ tình dục

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Quốc khánh của Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung-bak yêu cầu Nhật Bản có trách nhiệm đối với vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Ông nói rằng, Nhật Bản là nước láng giềng, người bạn thân thiết đã chia sẻ những giá trị căn bản và là đối tác quan trọng mà Hàn Quốc nên hợp tác để mở ra tương lai. Song, theo ông, cần chỉ ra chuỗi liên kết trong lịch sử quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản đang cản trở tiến trình phát triển chung ở khu vực Đông Bắc Á cũng như quan hệ song phương, trong đó có vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Nhiều phụ nữ Hàn Quốc và cả những nước châu Á khác đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Một quan chức cấp cao của Chính phủ Hàn Quốc cho biết, Nhật Bản đã không thừa nhận trách nhiệm đối với những phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục và cho rằng vấn đề này đã được giải quyết trong Hiệp ước bình thường hóa quan hệ vào năm 1965. Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh: Hành động của Nhật Bản vi phạm nhân quyền và công lý lịch sử.

Khoảng 500 phụ nữ Hàn Quốc, trong đó có cả những người từng là nô lệ tình dục đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Yonhap cho hay, hiện chỉ có 60 nạn nhân nô lệ tình dục còn sống. Họ đều ngoài 80 tuổi và có thể sẽ chết trước khi nhận được bồi thường hoặc một lời xin lỗi từ Nhật Bản. Vì vậy, vấn đề này đang trở nên cấp thiết và đây không phải là lần đầu tiên Seoul thúc giục Tokyo xem xét đến trách nhiệm trong quá khứ.

Quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc vẫn căng thẳng xung quanh các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Ngày 15-8, một tàu chở các nhà hoạt động từ Hong Kong, Trung Quốc và Macau ra đến gần khu vực tranh chấp. Hãng Reuters dẫn lời một nhà hoạt động có mặt trên tàu cho biết, lực lượng tuần duyên của Nhật Bản đã bắn đại bác nước sau khi con tàu này phớt lờ cảnh báo.

Trong một thông cáo báo chí ngày 15-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh yêu cầu Nhật Bản kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản của các công dân Trung Quốc đang ra đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là đảo Senkaku). Tuy nhiên, theo Hãng HNK của Nhật Bản, 5 nhà hoạt động Trung Quốc đã bị bắt sau khi đặt chân đến đảo tranh chấp.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.