(ĐNĐT) - Ngày 15-8, hai bộ trưởng thuộc nội các Nhật Bản đã viếng thăm đền Yasukuni nhân kỷ niệm 67 năm ngày Tokyo thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một động thái làm xấu đi quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thành viên Nội các Nhật, Jin Matsubara thăm đền Yasukuni, ngày 15-8-2012. Ảnh: AFP |
Ông Jin Matsubara, Chủ tịch Ủy ban an toàn công cộng và Bộ trưởng Đất đai Nhật Bản Yuichiro Hata đã lần lượt tới thăm ngôi đền Yasukuni, nơi thờ tự 2,5 triệu binh sĩ Nhật Bản, trong đó có 14 người được xem là tội phạm chiến tranh.
Chuyến viếng thăm của các quan chức nói trên đã làm dấy lên sự căm phẫn tại Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi nhiều người dân tại các nước châu Á xem đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật.
Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, những hồi ức đắng cay về chủ nghĩa quân phiệt Nhật vẫn còn khắc sâu trong lòng người dân.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda kêu gọi nội các của mình hãy tránh những cuộc viếng thăm như thế.
Đây là lần đầu tiên các thành viên của nội các Nhật Bản viếng thăm ngôi đền kể từ khi Đảng Dân chủ của Thủ tướng Noda lên nắm quyền vào năm 2009, hứa hẹn sẽ làm ấm lại quan hệ giữa Nhật với các nước Châu Á.
Trước đó, dưới thời Thủ tướng Koizumi, các chuyến viếng thăm của nội các Nhật đã làm dấy lên sự căm phẫn ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mặc dù quan hệ kinh tế giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc đang tăng lên, tuy nhiên, tranh chấp về lãnh thổ đối với các hòn đảo ở Biển Nhật Bản và chuyến thăm đền này đang gây ra căng thẳng mới.
Những sự kiện mới đây đã làm cho quan hệ hai nước căng thẳng trở lại sau khi Tổng thống Lee Myung-bak viếng thăm đảo Dokdo/Takeshima và một mỏ khí đốt dưới đáy biển gần khu vực đảo này.
Cũng trong tuần này, một nhóm gồm 40 sinh viên và 1 ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc đã tổ chức bơi tiếp sức ra đảo Dokdo/Takeshima để góp phần vào việc tuyên bố chủ quyền của Hàn Quốc đối với hòn đảo này.
Ngày 14-8, Hàn Quốc tuyên bố, Nhật hoàng phải xin lỗi người dân Hàn Quốc nếu ông muốn viếng thăm nước này.
Cũng trong ngày 15-8, trong bài diễn văn nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng khỏi chế độ quân phiệt Nhật, Tổng thống Lee Myung-bak đã thúc ép Nhật phải xem xét việc giải quyết nổi đau của những phụ nữ Hàn Quốc đã bị bắt buộc làm nô lệ tình dục dưới thời Nhật chiếm đóng nước này.
Với Trung Quốc, hiện cả Nhật và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên hòn đảo mà phía Nhật gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Việc chính phủ Nhật tuyên bố mua lại đảo này từ một tư nhân người Nhật đã làm quan hệ hai nước càng thêm cẳng thẳng.
Quang Hiển (theo Reuters, Yonhap, AFP)