(ĐNĐT) - Ngày 21-8, Nhật Bản đã chính thức đề nghị Hàn Quốc đưa vụ tranh chấp các hòn đảo nhỏ có tên gọi là Takeshima theo tiếng Nhật và Dokdo theo tiếng Hàn ra Tòa án Công lý quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-hwan. Ảnh: Yonhap |
Ngoài đề xuất với Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda còn yêu cầu các bộ trưởng phải tìm các phương cách khác để đối phó với bất đồng.
Trong một cuộc họp với các bộ trưởng, Thủ tướng Noda phát biểu rằng: “Việc Tổng thống Lee Myung-bak và nội các của ông ấy lên đảo Takeshima không phù hợp với chính sách của chúng ta và điều đó thật đáng tiếc. Chúng ta phải có lập trường vững chắc về vấn đề này. Chúng ta phải xem xét các biện pháp khả thi để có thể áp dụng trong tương lai”.
Cùng ngày, trong một cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Kim Sung-hwan đã phát biểu rằng: “Lập trường của chúng ta là không có tồn tại tranh chấp nào trên đảo Dokdo bởi Dokdo thuộc lãnh thổ của chúng ta. Việc ra tòa án quốc tế là không đáng để xem xét.”
“Cái mà Nhật Bản muốn là biến Dokdo thành một vùng lãnh thổ tranh chấp và việc đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế sẽ đáp ứng mong muốn đó”.
Đồng thời, ông Kim Sung-hwan còn cảnh báo rằng, Hàn Quốc sẽ có “những biện pháp cứng rắn” chống lại Nhật Bản bởi Dokdo là một vùng lãnh thổ về lịch sử, địa lý và theo công ước quốc tế của Hàn Quốc”.
Hôm 10-8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã viếng thăm các hòn đảo do Seoul kiểm soát. Động thái này được người dân Hàn Quốc hoan nghênh, tuy nhiên lại gây căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản.
Trong hai năm 1954 và 1962, Hàn Quốc đã từ chối đề nghị của Nhật Bản yêu cầu tòa án quốc tế La Hay phân xử việc tranh chấp chủ quyền đối với đảo này.
Trong khi đó, Tokyo cũng đang xem xét lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Hàn Quốc.
Theo thỏa thuận hiện hành, hai nước có thể trao đổi đồng Won và đồng Yên có trị giá lên tới 70 tỷ USD, một kế hoạch được thiết kế nhằm ngăn ngừa khủng hoảng tài chính.
Thỏa thuận trên do Nhật Bản soạn thảo nhằm giúp Hàn Quốc chịu đựng được sự bất ổn trên thị trường tài chính, truyền thông Nhật Bản cho biết.
Tuy nhiên, không rõ cơ chế này có tầm quan trọng như thế nào với Hàn Quốc và việc xem xét lại có tác động gì tới nước này hay không.
Quang Hiển (theo CNA, Yonhap)