Tiếp sau chuyến công cán đến Úc và New Zealand, tuần này Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến các quốc đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương.
Bà Hillary Clinton muốn tạo ảnh hưởng của Mỹ ở các quốc đảo nhỏ. Ảnh: AFP |
Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Nam Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Clinton là động thái nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc đảo nhỏ. Trong đó, bà Clinton sẽ đến quần đảo Cook, nơi chỉ có 11.000 người sinh sống trên 15 hòn đảo với diện tích hơn Washington DC của Mỹ đôi chút.
Bà Clinton còn có lý do khác là đến khu vực này để tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên do Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) tổ chức. PIF tập hợp các quốc đảo nhỏ cùng với nước giàu tài nguyên Papua New Guinea và 2 cường quốc đồng minh Mỹ bao gồm: Úc, New Zealand. Theo cựu quan chức ngoại giao New Zealand Michael Powles, nhiều năm nay, những quốc đảo nhỏ bé và nghèo này không nằm trong “tầm ngắm” của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc củng cố mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ với các nước này bằng viện trợ và những thỏa thuận song phương. Nhưng giờ đây, “tầm ngắm” của Mỹ đã thay đổi và theo ông Powles, đây cũng là thông điệp mà Washington muốn gửi đến Bắc Kinh khi bà Clinton hiện diện tại hội nghị PIF.
Theo giới phân tích, việc bà Cliton đến PIF minh chứng sự thay đổi trọng tâm chiến lược của Mỹ rằng, Washington đang hướng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lúc có những quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bà Annmaree O’Keeffee, chuyên gia của Viện Lowy có trụ sở tại Úc, cho biết mối quan tâm của Washington đến các đảo nhỏ Thái Bình Dương là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ xung quanh chính sách ngoại giao hướng đến châu Á - Thái Bình Dương, thay vì quan tâm đến Iraq và Afghanitstan, 2 cuộc chiến đã tiêu tốn quá nhiều kinh phí của Washington. Việc hướng đến châu Á - Thái Bình Dương cũng là cam kết của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chương trình nghị sự cuối nhiệm kỳ của mình.
Thực tế, trong lúc gia tăng ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã chọc giận “người khổng lồ” Trung Quốc”, nhất là các vấn đề liên quan đến Biển Đông thời gian qua, trong đó có việc Washington tuyên bố ủng hộ Philippines và kêu gọi Bắc Kinh đàm phán đa phương. Song, theo bà O’Keeffee, việc Ngoại trưởng Clinton tham dự hội nghị PIF chỉ là sự kiện thứ yếu trong chiến lược chung của Mỹ, bởi mục tiêu quan trọng là cường quốc hàng đầu thế giới muốn chứng minh rằng, tại những nơi hẻo lánh nhất của vùng Thái Bình Dương thì Washington vẫn có mặt.
Hiện Mỹ có lãnh thổ riêng ở Thái Bình Dương, như Guam, Bắc Marianas và American Samoa, đồng thời có quan hệ thân cận với Palau, Micronesia, quần đảo Marshall. Hãng AFP dẫn nhận định của giới quan sát rằng, tuy hiện diện nhiều tại khu vực Bắc và Trung Thái Bình Dương, nhưng Mỹ hầu như vắng bóng tại vùng phía Nam. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng hiện diện mạnh mẽ hơn ở khu vực này và sử dụng “lá bài” tài chính.
Ông Powles cũng cho rằng, Trung Quốc không quan ngại nhiều về hành động ngoại giao của Mỹ ở châu Á, mà chủ yếu lo ngại về mục tiêu quân sự của Washington. Điều mà Bắc Kinh lo sợ là với nỗ lực tạo ảnh hưởng của Mỹ, các đảo quốc này sẽ theo phương Tây và chịu sự dẫn dắt của cường quốc từ bên kia đại dương.
THIÊN BÌNH