.

Nhật Bản muốn đưa tranh chấp đảo lên ICJ

.

Ngoài việc muốn cùng Hàn Quốc đưa tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Nhật Bản còn hàm ý nhắc đến việc xem xét các giải pháp về kinh tế bên cạnh giải pháp ngoại giao với Seoul.

Tàu của Hàn Quốc ở gần đảo Dokdo/Takeshima.                                     Ảnh: AFP
Tàu của Hàn Quốc ở gần đảo Dokdo/Takeshima. Ảnh: AFP

Tối 21-8, Chính phủ Nhật Bản chính thức đề nghị rằng, nước này và cả Hàn Quốc cùng đưa vấn đề tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima lên ICJ. Đề xuất được gửi đến Hàn Quốc bằng văn kiện ngoại giao thông qua Đại sứ quán Nhật ở Seoul. Theo đó, ngoài đề nghị trên, Nhật Bản còn tái khẳng định chủ quyền đối với Dokdo/Takeshima. Trong cuộc họp nội các ngày 21-8, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda yêu cầu các Bộ trưởng tìm những giải pháp khác để giải quyết bất đồng về chủ quyền đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo) và cũng để đáp trả chuyến thăm đảo gây tranh cãi của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ông Noda cho rằng, cần phải xem xét các giải pháp phù hợp có thể thực hiện trong tương lai.

Tuy nhiên, đề xuất trên chưa chính thức được đưa ra thì đã bị Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan bác bỏ ngay lập tức và cho rằng ý tưởng của Nhật “không đáng để xem xét”. Phát biểu trước Quốc hội, ông Kim Sung-hwan khẳng định: Quan điểm của Hàn Quốc là không nên tồn tại bất kỳ sự tranh chấp lãnh thổ nào đối với Dokdo, bởi đảo này thuộc chủ quyền của Seoul cả về mặt lịch sử lẫn địa lý cũng như theo luật quốc tế. Yonhap dẫn lời ông Kim Sung-hwan cảnh báo Hàn Quốc sẽ thực hiện những biện pháp nghiêm khắc chống lại Nhật Bản nếu Tokyo tiếp tục theo đuổi một cách phi lý về chủ quyền với Dokdo.

Hãng AFP cho biết, với việc đến thăm đảo Dokdo/Takeshima vào ngày 10-8 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã nhận được sự đồng tình của dư luận trong nước, nhưng động thái này làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản. Thậm chí, Tokyo đã triệu hồi đại sứ của mình ở Seoul về nước. Tuần trước, Hàn Quốc cũng đã bác bỏ việc đưa vấn đề lên ICJ. Năm 1954 và 1962, Seoul cũng có động thái tương tự khi Tokyo đề nghị tìm sự phán xét từ ICJ có trụ sở ở Hà Lan.

Trong khi đó, trao đổi với báo giới tại Tokyo, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói rằng, Thủ tướng Noda đã yêu cầu Chính phủ xem xét các giải pháp khác, ngoài giải pháp ngoại giao chống lại Hàn Quốc. Báo chí Nhật Bản suy đoán Tokyo có thể hủy bỏ kế hoạch mua trái phiếu của Hàn Quốc vốn là một phần trong sự hợp tác kinh tế - tài chính giữa 2 nước. Theo Yonhap, đây là dấu hiệu minh chứng quan hệ song phương giữa 2 quốc gia vùng Đông Bắc Á này tiếp tục bị ảnh hưởng.

Đáp lại tuyên bố của ông Fujimura, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tai-young bày tỏ sự nuối tiếc sâu sắc, đồng thời kêu gọi Tokyo rút lại đề xuất. Ông Cho Tai-young còn cho hay, cơ quan này sẽ sớm gửi văn kiện ngoại giao tương tự của Nhật Bản, trong đó cũng đề cập rằng, đảo Dokdo là của Hàn Quốc và không thể tồn tại việc tranh chấp lãnh thổ.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ngày 21-8 nói rằng, giới chức của khu vực này sẽ không tham gia cùng Trung Quốc chống lại Nhật Bản trong việc tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông - nơi mà cả ba đều tuyên bố chủ quyền.

Trả lời phỏng vấn Hãng NHK của Nhật Bản, ông Mã Anh Cửu khẳng định việc không hợp tác với Trung Quốc để tránh làm tổn hại mối quan hệ Đài Loan - Nhật Bản. Theo ông, điều quan trọng không chỉ là sự tự kiềm chế của mỗi bên mà còn phải nghĩ đến giải pháp hòa bình trong tranh chấp này. Đảo Senkaku (cách gọi của Nhật Bản, Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) là trọng tâm trong căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh. Song, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo này.

Một khảo sát chung do báo của Đài Loan và Trung Quốc thực hiện vào tháng 7 vừa qua cho thấy, đa số người dân ở cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều muốn Đài Bắc và Bắc Kinh hợp tác để giải quyết căng thẳng trên biển Hoa Đông.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.