.

Nhật - Hàn vẫn căng thẳng vì đảo tranh chấp

.

Căng thẳng liên quan đến đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo có thể khiến Nhật Bản và Hàn Quốc không tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh như dự kiến bên lề Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng tới.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (giữa) trong chuyến thăm đảo Dokdo.                                                                                                                          Ảnh: AFP
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (giữa) trong chuyến thăm đảo Dokdo. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ gặp gỡ các đối tác chính trong khu vực tại Hội nghị APEC được tổ chức ở Vladivostok, miền Đông nước Nga. Tuy nhiên, Tokyo vẫn đang tìm phản ứng phù hợp xung quanh chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến đảo Takeshima tranh chấp giữa 2 nước (Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo). Theo nhật báo Sankei Shimbun của Nhật, Tokyo muốn ngừng các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc trong dịp Hội nghị APEC và cả chuyến thăm của Thủ tướng Noda đến Seoul vốn đã được lên kế hoạch là một phần trong chương trình “ngoại giao con thoi”. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng, nếu Tokyo không thiết lập cuộc gặp song phương với Hàn Quốc bên lề Hội nghị APEC thì không có nghĩa việc này bị hoãn mà là chưa bao giờ có trong kế hoạch chính thức.

Nhật Bản luôn tổ chức đối thoại song phương với các đối tác chính bên lề Hội nghị APEC, trong đó có Hàn Quốc. Song, kế hoạch của Tokyo thường được công bố ngay trước thềm các cuộc gặp.

Ngày 13-8, Tổng thống Lee Myung-bak nói rằng, chuyến thăm bất ngờ của ông đến đảo Dokdo nhằm thúc giục Nhật Bản phải giải quyết vấn đề tồn đọng giữa 2 nước. Sự hiện diện của ông tại quần đảo trên biển Hoa Đông vào ngày 10-8 đã làm Nhật Bản tức giận, thậm chí triệu hồi đại sứ tại Seoul về nước. Thủ tướng Noda gọi đây là chuyến thăm không thể chấp nhận được trong khi Ngoại trưởng Koichiro Gemba khẳng định có thể đưa vụ việc lên Tòa án Công lý quốc tế ở Hà Lan.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, động thái đáp trả của Chính phủ Nhật Bản có thực sự mang lại hiệu quả không bởi Tokyo đã 2 lần không thể ngăn cản chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga Dmitry Medvedev đến đảo tranh chấp Kunashiri (theo cách gọi của Nhật Bản), hay Kunashir (theo cách gọi của Nga)? Trong khi đó, chuyến thăm đảo Dokdo lại giúp Tổng thống Lee Myung-bak lấy lòng cử tri trong nước vào thời điểm cuối nhiệm kỳ khi thể hiện thái độ cứng rắn với Nhật Bản. Hơn nữa, ông Lee Myung-bak là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thăm Takeshima/Dokdo. Năm 2008, Thủ tướng Hàn Quốc lúc đó là ông Han Seung-soo cũng đến thăm quần đảo này và gây ra một cuộc tranh cãi với Nhật Bản.

Còn Reuters cho rằng, sau gần 7 thập niên kể từ khi Nhật Bản thất bại trong Thế chiến thứ hai, khu vực Đông Bắc Á vẫn bị đối mặt với những thách thức với căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo với Hàn Quốc và với cả Trung Quốc. Ngày 14-8, Tổng thống Lee Myung-bak còn nói rằng, nếu muốn thăm Hàn Quốc thì Nhật hoàng nên xin lỗi một cách thiện chí vì chế độ thực dân trên bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên ông Lee Myung-bak công khai yêu cầu Nhật hoàng xin lỗi.

Theo Hãng Yonhap, phát biểu của ông Lee Myung-bak được đưa ra trước một ngày Hàn Quốc kỷ niệm 67 năm Ngày Quốc khánh, kết thúc sự cai trị của Nhật Bản từ năm 1910-1945, và trong lúc căng thẳng giữa Seoul - Tokyo liên quan đến vấn đề lãnh thổ. Năm 2010, Tổng thống Hàn Quốc đã mời Nhật hoàng đến quốc gia này nhằm bày tỏ sự hòa giải nhưng Tokyo không có phản ứng chính thức nào. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc lần này cũng nhấn mạnh: Việc ông đến đảo Dokdo không phải là quyết định ngẫu hứng mà chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ 2-3 năm trước. Hôm nay (15-8), Hàn Quốc sẽ tổ chức khánh thành công trình mang tên “Bia biểu tượng bảo vệ Dokdo” ở đảo tranh chấp. Chính phủ Seoul nói rằng, bia đá cao 1,2m này là lời tuyên bố chủ quyền đối với đảo Dokdo.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.