.

Nhật - Trung vẫn căng thẳng

.

Nhật Bản đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp đảo Sensaku/Điếu Ngư. Song, Tokyo kêu gọi Bắc Kinh nỗ lực để bảo đảm đôi bên cùng có lợi.

Các nhà hoạt động Nhật Bản trả lời báo giới trước khi bị cảnh sát thẩm vấn tại Ishigaki, tỉnh Okinawa.                                                                                               Ảnh: AP
Các nhà hoạt động Nhật Bản trả lời báo giới trước khi bị cảnh sát thẩm vấn tại Ishigaki, tỉnh Okinawa. Ảnh: AP

Ngày 20-8, cảnh sát Nhật Bản thẩm vấn 10 nhà hoạt động nước này đã đặt chân đến đảo Sensaku/Điếu Ngư vào một ngày trước đó và cắm quốc kỳ lên đảo tranh chấp. Theo AFP, cảnh sát đang xem xét kỹ lưỡng việc các nhà hoạt động đến đảo Sensaku/Điếu Ngư có phù hợp với luật hay không. Trong khi đó, báo chí Nhật Bản nói rằng, 10 người này có thể đối mặt với các cáo buộc vì đến đảo mà không được sự cho phép của chính quyền.

Hãng Reuters cho biết, Nhật Bản thúc giục Bắc Kinh bảo vệ an toàn cho công dân của nước này sau khi các cuộc biểu tình diễn ra ở các thành phố của Trung Quốc vào cuối tuần qua. Tokyo nhấn mạnh: Căng thẳng trong tranh chấp đảo Sensaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông sẽ không làm tổn hại đến quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura khẳng định cả hai nước đều không muốn vấn đề Senkaku ảnh hưởng đến quan hệ song phương; và Tokyo hay Bắc Kinh đều không có lợi ích gì khi chứng kiến quan hệ bị rạn nứt do tranh chấp lãnh thổ. “Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất với Tokyo, đồng thời việc Trung Quốc đóng vai trò xây dựng là điều không thể thiếu đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Fujimura nói. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở 2 bên cùng có lợi. Song, ông Fujimura cho hay, Tokyo đang giải quyết vụ việc theo luật pháp quốc gia, vì các nhà hoạt động và nghị sĩ nước này đã vi phạm quy định cấm lên đảo tranh chấp. Ông gọi vụ việc ngày 19-8 là điều đáng tiếc nhưng tuyên bố đây là vấn đề nội bộ của Nhật Bản và Trung Quốc không có quyền can thiệp.

Theo Reuters, cả Chính phủ Trung Quốc lẫn Chính phủ Nhật Bản đều đang đối mặt với thách thức liên quan đến vấn đề này. Bắc Kinh đang chuẩn bị cuộc chuyển giao lãnh đạo. Còn Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có thể phải kêu gọi bầu cử sớm và bị áp lực từ dư luận trong nước về việc ông phải có quan điểm cứng rắn hơn với nước láng giềng để bảo vệ chủ quyền đảo Sensaku.

Trong lúc đó, ý định và động thái của Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara trong việc quyên góp tiền để mua lại một số đảo trong nhóm đảo tranh chấp đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Đến nay, chính quyền thành phố Tokyo đã nhận được tiền quyên góp hơn 1 tỷ yen (12 triệu USD). Dự kiến việc mua lại đảo phải mất từ 2-3 tỷ yen.

Báo chí Trung Quốc tiếp tục lên tiếng chỉ trích Nhật Bản. Tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc lại cho rằng, Nhật Bản đã phạm phải hàng loạt sai lầm trong vấn đề đảo Điếu Ngư và làm tổn thương đến người Trung Quốc. Tờ Nhật báo Trung Quốc tuyên bố việc các nhà hoạt động và nghị sĩ cắm cờ Nhật Bản trên đảo là sự xúc phạm đến chủ quyền của Trung Quốc (!?). Tờ Thời báo toàn cầu cảnh báo Trung Quốc có thể đáp trả nếu Nhật Bản gia tăng phòng vệ trên đảo.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.