.

Philippines mời thầu dầu khí trên Biển Đông

.

Ngày 31-7, Philippines mời thầu thăm dò dầu khí tại 3 khu vực trên Biển Đông, trong đó có 2 khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mặc dù những tuyên bố này là vô căn cứ.

Các tàu của Philippines ở gần đảo Palawan.                                                                             Ảnh: AFP
Các tàu của Philippines ở gần đảo Palawan. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, 3 khu vực mời thầu ở phía Tây Nam của đảo Palawan và được cho là giàu dầu mỏ, khí đốt. Những khu vực này nằm bên cạnh các mỏ dầu Malampaya và Sampaguita, là nguồn cung cấp 40% điện năng cho đảo Luzon của Philippines. Manila đang muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Tập đoàn Dầu khí Nido của Úc, Công ty Năng lượng Repsol của Tây Ban Nha, Công ty khí và năng lượng GDF Suez của Pháp và Công ty Eni của Ý có tên trong số 15 công ty đủ điều kiện dự thầu nhưng không rõ các đơn vị này có tham gia hay không. Hãng Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Philippines Jose Layug bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định tất cả các khu vực mà Manila mời thầu đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Ông Layug cho rằng, Philippines có quyền thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên trong phạm vi lãnh thổ của mình. “Không nghi ngờ và tranh cãi về những quyền như thế”, ông Layug nói.

Tập đoàn Dầu khí Philex, một trong những nhà thầu đủ điều kiện đầu tiên, đã có các cuộc trao đổi với đại diện của Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào đầu năm nay. CNOOC là đơn vị ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lần này, CNOOC không tham gia đấu thầu khai thác và thăm dò dầu khí theo tuyên bố của nước láng giềng Đông Nam Á nhưng Manila nói rằng, sẽ chào đón công ty của Trung Quốc nhưng phải tuân thủ luật pháp của Manila.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Năng lượng Jose Rene Almendras, các hợp đồng đầu tiên trong số 15 hợp đồng sẽ được quyết định trong 60 ngày tới. Trung Quốc không phản đối kế hoạch mời thầu tại 3 địa điểm trên. Năm 2011, Philippines và Trung Quốc từng mâu thuẫn trong vấn đề này khi Manila cáo buộc Bắc Kinh quấy nhiễu các hoạt động thăm dò của tàu Philippines trong khu vực.

Về phía Trung Quốc, bất chấp phản ứng của quốc tế và khu vực, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng của nước này, ông Geng Yansheng, ngày 31-7 nói rằng, Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển liền kề. Người phát ngôn Geng Yansheng cũng nhấn mạnh: Trung Quốc phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự ở khu vực này. Hiện Trung Quốc tiếp tục những hành động khiêu khích khi tuyên bố xây dựng 83 căn hộ cho thuê giá rẻ tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, dự án xây căn hộ sẽ được hoàn thành trong 2 năm tới.

TTXVN còn dẫn nguồn tin từ nhật báo Pháp chế của Trung Quốc rằng, lực lượng hải giám “Tam Sa” sẽ lần lượt lên từng đảo ở Biển Đông để thực hiện cái gọi là “sự chấp pháp”, bao gồm kiểm tra tình hình khai thác, phát triển các đảo không người; và đây là hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.