Gần 9.000 tàu cá Trung Quốc đã trở lại Biển Đông trong lúc căng thẳng vẫn tiếp diễn liên quan đến tuyên bố vô căn cứ của Bắc Kinh về chủ quyền ở vùng biển này.
Các tàu cá ở tỉnh Hải Nam sẵn sàng ra khơi. Ảnh: THX |
Đúng 12 giờ ngày 1-8, khi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương đưa ra đã hết hiệu lực, 8.994 tàu cá của nước này đồng loạt quay lại ngư trường Biển Đông.
Tuyên bố và hành động mâu thuẫn
Trước đó, các tàu cá này đã tạm dừng hoạt động trong 2 tháng, từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8 khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông - lệnh cấm đánh bắt cá lần thứ 14 được thực thi tại vùng biển này, mặc dù bị Việt Nam và một số nước trong khu vực bác bỏ. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam từng phản đối và cho rằng lệnh cấm này là không có giá trị.
Tờ Hải Nam nhật báo ngày 1-8 dẫn nguồn tin của Sở Ngư nghiệp và Hải dương tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho hay, tỉnh này sẽ mở rộng phạm vi khai thác nghề cá trong khu vực “ngư trường Tam Sa”, theo đó sẽ hướng dẫn ngư dân đóng tàu lớn hơn và ra vùng nước sâu hơn ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, cùng bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Trung Sa”.
Trung Quốc từng phái một đội gồm khoảng 30 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam chia thành 2 biên đội khởi hành đến ngư trường Trường Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các tàu cá Trung Quốc ra quân rầm rộ theo một đội hình được tổ chức chặt chẽ. Nhóm tàu này được chia thành 6 tổ thuộc hai biên đội khác nhau; trong đó có một tàu lớn trọng tải 3.000 tấn đảm nhiệm chức năng hậu cần, cung cấp dầu, nước, đá lạnh cùng các dịch vụ khác. Ngày 29-7, đội tàu cá này đã quay trở về Tam Á, kết thúc hành trình đánh bắt bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, người phụ trách cơ quan nghề cá và hải dương tỉnh Hải Nam thậm chí tuyên bố một cách ngang ngược rằng, việc 30 tàu cá trở về Tam Á đã tạo ra tiền lệ mới cho các biên đội tàu cá quy mô lớn đánh bắt ở các ngư trường bên ngoài (!?).
Trong lúc đó, quân đội Trung Quốc bác bỏ việc Bắc Kinh đang chuẩn bị chiến tranh nhằm bảo vệ lãnh thổ mà nước này tuyên bố trên Biển Đông. Phát biểu tại cuộc họp báo nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Geng Yansheng vẫn khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông và các vùng biển lân cận (!?), đồng thời phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào khu vực này. Hãng IANS dẫn lời ông Zhai Dequan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị của Trung Quốc, cho rằng thông điệp này nhằm gửi đến Việt Nam, Philippines và Nhật Bản - những nước liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang tiếp tục có những lời nói và hành động mâu thuẫn và điều này có thể càng làm căng thẳng trên Biển Đông gia tăng.
Philippines triệu đại sứ Campuchia
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, bị cáo buộc dùng “chính sách bẩn” trong việc giải quyết tranh chấp ở khu vực này, Philippines đã phản ứng gay gắt, triệu đại sứ của Campuchia Hos Sereythonh. Hãng AFP cho biết, ông Hos Sereythonh, đại sứ của Campuchia tại Philippines, đã lấy lý do bị ốm để không đến và cử phó đại sứ Tan Chandaravuth đến thay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, Chính phủ Manila muốn ông Sereythonh giải thích khi ông này bình luận rằng, Philippines đã dùng “chính sách bẩn” trong việc giải quyết căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.
Bình luận của ông Sereythonh được đưa ra trong lá thư gửi cho Báo Philippine Star, một trong những tờ báo hàng đầu của Philippines vào ngày 30-7 vừa qua. Trong thư, ông Sereythonh nói rằng, Philippines cùng Việt Nam đã phá hoại thông cáo chung của Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. AMM 45 đã kết thúc, đại diện các nước đều ra về tay trắng vì không có thông cáo chung. Lá thư gửi cho Báo Philippine Star có đoạn viết: Hai nước (Philippines và Việt Nam) đã thể hiện quan điểm “không nhân nhượng, không đàm phán” về vấn đề Biển Đông trong chương trình nghị sự của AMM 45. Ông Sereythonh còn nói thêm: Philippines và Việt Nam không nên đổ lỗi cho Campuchia về thất bại của ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này.
Theo AFP, việc triệu đại sứ Campuchia ở Philippines có thể làm gia tăng chia rẽ trong ASEAN sau hơn 2 tuần kết thúc AMM 45. Người phát ngôn Hernandez nhấn mạnh sẽ tiếp tục triệu đại sứ Sereythonh cho đến khi ông này có mặt. “Chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ đến khi không còn thấy miễn cưỡng”, ông Hernandez nói. Trong khi đó, theo tờ Philippine Star, điều mà Manila cần là đại sứ Campuchia phải đưa ra được các bằng chứng để kết thúc suy đoán về những gì thực chất diễn ra ở Phnom Penh.
Ngày 31-7, người phát ngôn Hernandez chỉ trích Campuchia, một đồng minh thân thiết của Trung Quốc, đã bác bỏ ít nhất 5 dự thảo thông cáo chung, trong đó đề cập đến căng thẳng khu vực biển. Thư của đại sứ Campuchia gửi báo Philippine Star được cho là đáp trả bài viết nhan đề “Vì sao ASEAN không có thông cáo chung” của Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda Basilio. Đại sứ Campuchia còn cho rằng, bà Basilio đã “mánh khóe, bóp méo và phóng đại” về những diễn biến ở Biển Đông liên quan đến Trung Quốc. Song, người phát ngôn Hernandez khẳng định bà Basilio là nhà ngoại giao chuyên nghiệp với hồ sơ không tì vết trong suốt 50 năm phụng sự đất nước.
PHÚC NGUYÊN