.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Con đường chông gai với Syria

.

Chiến sự diễn ra tại Aleppo - trung tâm kinh tế hàng đầu của Syria - và tại Damascus đang ở giai đoạn quyết định. Sau 3 tuần lực lượng vũ trang đối lập chiếm giữ một số khu vực của thành phố này, quân Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang thể hiện quyết tâm giành lại quyền kiểm soát.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Istanbul.                                                                                           Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Istanbul. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, con đường đi của Syria thật sự có quá nhiều chông gai. Ông Assad không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chiến thắng ở Aleppo và cả ở Damascus nếu muốn tái khẳng định quyền lực của mình trên khắp cả nước. Nhà lãnh đạo này hiện đối mặt với sự can thiệp của nước ngoài ngày càng rõ nét, trong đó có việc áp đặt vùng cấm bay tại khu vực do lực lượng vũ trang đối lập kiểm soát - một kịch bản tương tự ở Libya. Trong cuộc gặp gỡ tại Istanbul ngày 11-8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn về vấn đề này. Bà Clinton muốn có một kịch bản hạ màn đối với Syria và tính đến thời “hậu Assad”. Thực chất, những gì mà Washington mong muốn, để từ đó “bắt tay” với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, là tạo ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Cũng như Iran thể hiện rõ quan điểm đứng về phía người đồng minh Syria, tạo thế đối lập với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia không ngoài mục đích tranh giành ảnh hưởng. Song, nỗ lực của Iran (cả của Nga và Trung Quốc) cũng không phá bỏ được thế cô lập đối với Syria khi Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết không ràng buộc lên án Damascus.

Tuần qua, tại thủ đô Tehran, Iran chủ trì hội nghị các Ngoại trưởng để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Chỉ những nước có “quan điểm đúng đắn và thực tế” về khủng hoảng Syria mới hiện diện tại hội nghị này. Mohammad Marandi ở Trường Đại học Tehran cho rằng, Iran muốn phối hợp giữa các nước vốn không chấp nhận tiến trình của phương Tây và Arab đối với Syria. Tuy nhiên, bước đột phá mới nhất về ngoại giao của Tehran lại bị bao phủ bởi những hoài nghi từ phương Tây.

Cuối tháng 8 này, Pháp sẽ đăng cai hội nghị cấp Bộ trưởng của các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhằm bàn thảo về tình hình nhân đạo ở Syria cũng như các nước láng giềng. Pháp viện dẫn rằng, muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân Syria, đồng thời tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị. Nhưng thực chất, giải pháp ngoại giao mà Pháp đề cập là gì thì vẫn chưa rõ, trong lúc kế hoạch hòa bình gồm 6 điểm của đặc sứ LHQ và Liên đoàn Arab - ông Kofi Annan - đã thất bại. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius sẽ có chuyến công cán vào tuần tới đến Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ. Các Ngoại trưởng Arab cũng nhóm họp tại Jeddah vào ngày 12-8 để bàn về khủng hoảng Syria và ai thay thế ông Kofi Annan, nhưng cuộc họp này đã bị hoãn.

Giới quan sát cũng cho rằng, tình hình Syria cùng thế khó của Tổng thống Assad đã và đang được đẩy lên bởi sự đào tẩu của Thủ tướng Hijab. Chính động thái của vị chính khách 46 tuổi làm giọt nước tràn ly bởi ông này nhậm chức vỏn vẹn 2 tháng và nội các chỉ mới được hình thành vào ngày 23-6 vừa qua. Nay ông Assad đã bổ nhiệm Thủ tướng mới, ông Wael al-Halki, nhưng “pháo đài” này vẫn chưa thể vững chãi.

Ông Halki 48 tuổi, từng làm Tổng Thư ký đảng Baath ở tỉnh Daraa, miền Nam Syria từ năm 2000-2004. Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hiệp hội Bác sĩ và sau đó giữ chức Bộ trưởng Y tế. Còn người tiền nhiệm của tân Thủ tướng Halki, ông Hijab là người gốc ở thành phố Deir Ezzour, phía Đông Bắc Syria. Ông đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột giữa lực lượng Syria với phe đối lập kể từ khi cuộc nổi dậy bùng phát cách đây 17 tháng. Việc đào tẩu có lẽ bắt nguồn từ việc ông bị sa thải ngay trước đó. Song, một số nguồn tin cho rằng, kế hoạch rời bỏ Syria đã được ông Hijab vạch sẵn từ 2 tháng trước.

Thật sự có không ít quan ngại của thế giới về Syria. Trung Quốc cảnh báo nguy cơ Syria rơi vào cuộc chiến sắc tộc. Nga và nhiều nước khác cũng khuyến cáo về khả năng nội chiến ở quốc gia Trung Đông này. Nhưng Chính phủ Assad có dễ sụp đổ như Ai Cập, Tunisia, Libya, Yemen hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Ngày 12-8, 2 nhà báo của Hãng thông tấn SANA (Syria) và Đài truyền hình Arab Al-Arabiya đã bị ám sát ở thủ đô Damascus. Trong đó, phóng viên Ali Abbas của SANA bị giết tại nhà riêng ở khu vực Jdaidet Artouz, một người khác là Bara’a Yusuf al-Bushi của Đài Al-Arabiya chết trong một vụ đánh bom ở al-Tal, ngoại ô Damascus. Các bản tin của các hãng thông tấn ở Syria đều quy trách nhiệm cho “một nhóm khủng bố vũ trang” nhưng không có thông tin chi tiết được công bố.

Theo thống kê của AP, hơn 20.000 người đã thiệt mạng ở Syria kể từ khi diễn ra cuộc nổi dậy vào tháng 3-2011.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.