.
Thế giới tuần qua

“Hành động đơn phương” của Trung Quốc

.

“Hành động đơn phương” của Trung Quốc xung quanh việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang làm xấu đi quan hệ giữa Mỹ với Bắc Kinh.

Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng và “phản pháo” lại các tuyên bố của Mỹ chỉ trích Bắc Kinh về những hành vi gây hấn.

Quang cảnh của cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc thiết lập một cách vô lý trên Biển Đông.                                                                            Ảnh: AFP
Quang cảnh của cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc thiết lập một cách vô lý trên Biển Đông. Ảnh: AFP

Trung Quốc triệu quan chức ngoại giao Mỹ

Quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Bắc Kinh, ông Robert Wang, đã được Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập. Lý do mà Trung Quốc đưa ra là nước này rất không hài lòng và kiên quyết phản đối “thông điệp sai trái nghiêm trọng” của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 3-8 về tình hình Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng, tuyên bố của Mỹ đã “hoàn toàn bỏ qua sự thật, làm lẫn lộn đúng sai, phát đi thông điệp sai lầm nghiêm trọng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Phía Bắc Kinh còn thúc giục Mỹ phải điều chỉnh cách hiểu sai trái, đồng thời tôn trọng “chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” (!?).

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ - Trung “khẩu chiến” liên quan đến Biển Đông. Trước đó, Washington và Bắc Kinh đã cảnh báo nhau, một bên khuyến cáo ủng hộ mạnh mẽ người đồng minh Philippines, kêu gọi đàm phán đa phương; còn một bên chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài và thúc đẩy giải pháp song phương. Giới quan sát cho rằng, trong khi Mỹ chuyển hướng trọng tâm chiến lược sang khu vực đang nổi lên châu Á - Thái Bình Dương thì sự “hung hăng” của Bắc Kinh khiến Washington quan ngại. Chính thái độ của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền vô lý trên Biển Đông đã làm Mỹ phải theo dõi sát sao tình hình. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ vào cuối tuần qua đã đề cập đến những diễn biến gần đây ở Biển Đông, bao gồm việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và thiết lập quân đội đồn trú nơi đây; đồng thời cho rằng cách hành xử này không hề giúp tháo gỡ căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell không ngần ngại chỉ trích động thái đơn phương của Trung Quốc đang cản trở các nỗ lực ngoại giao và đẩy tranh chấp trong khu vực càng trở nên nghiêm trọng.

Tuy nhiên, người phát ngôn Tần Cương vẫn khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông (!?). Nhưng cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” ấy đến nay vẫn không được chứng minh, mà chỉ biện minh cho tham vọng và hành động của Trung Quốc khi bất chấp luật pháp quốc tế để thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tìm sự ủng hộ của ASEAN

Kể từ tháng 4 - thời điểm bùng phát cuộc đối đầu giữa Philippines với Trung Quốc về chủ quyền ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) đến nay, Chính phủ Manila vẫn khẳng định lập trường không khoan nhượng. Sau 12 công hàm ngoại giao phản đối chưa mang lại hiệu quả, Philippines tuyên bố sẽ đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về Luật Biển. Tổng thống Philippines Benigno Aquino từng khẳng định quan điểm Manila mong muốn hòa bình nhưng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Philippines chứng minh cho lời nói của mình bằng việc đã, đang và sẽ đầu tư hiện đại hóa quân đội, trong đó có việc mua các tàu chiến, trực thăng và một số máy bay chiến đấu khác... Trong khi đó, hạ nghị sĩ Philippines Eni Faleomavaega thậm chí nói rằng “không thể chịu đựng được nữa với hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông”.

"Với sự gia tăng các hành động liên quan tới quân sự, Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng"

(Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb)

Với sự cứng rắn của Philippines cùng hành động càng được nước lấn tới của Trung Quốc và những chỉ trích từ phía Mỹ, căng thẳng trên Biển Đông không những chưa có dấu hiệu lắng dịu, mà thậm chí nguy cơ xung đột có thể xảy ra - theo cảnh báo của các nhà phân tích. Giới quan sát quốc tế còn nói rằng, dù Philippines có các chứng cứ thuyết phục và phản ứng kiên quyết thì rất khó mang lại kết quả, bởi vấn đề là Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa án quốc tế về Luật Biển. Một giải pháp được giới quan sát đặt ra là cần có sự ủng hộ của ASEAN bởi hiệp hội gồm 10 thành viên này sẽ vừa tạo ra khối gắn kết, vừa thúc đẩy sức mạnh chống lại sự gây hấn của Trung Quốc. Theo bà Yas Banifatemi - nhóm luật quốc tế công cộng thuộc Công ty luật Shearman và Sterling có trụ sở tại Pháp, Philippines cần tiếp tục thúc đẩy đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên trong khối ASEAN.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.