.
Thế giới tuần qua

Sự điềm tĩnh cần thiết

.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đang phản ứng một cách thận trọng bằng những động thái điềm tĩnh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông với Trung Quốc, cụ thể là trục xuất ngay 14 nhà hoạt động của Bắc Kinh xâm nhập trái phép đảo Senkaku/Điếu Ngư, chứ không giam giữ lâu ngày hoặc đưa ra tòa án. Giải pháp này tuy không làm vừa lòng nhiều người dân Nhật Bản nhưng được ông Noda cho là phù hợp. Nhà lãnh đạo này phải đối mặt với áp lực từ dư luận trong nước, yêu cầu ông phải có quan điểm cứng rắn.

Các nhà hoạt động đã cắm quốc kỳ Nhật Bản trên đảo Uotsuri.       Ảnh: AP
Các nhà hoạt động đã cắm quốc kỳ Nhật Bản trên đảo Uotsuri. Ảnh: AP

Song, không hẳn là Chính phủ của Thủ tướng Noda muốn “xử êm” vụ tranh chấp đảo Sensaku/Điếu Ngư hoặc cho vụ việc “chìm xuồng”. Vấn đề là ông Noda không muốn lặp lại vụ việc xảy ra hồi tháng 9-2010 dưới thời Thủ tướng Naoto Kan: vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với 2 tàu của lực lượng tuần duyên Nhật, làm “đóng băng” quan hệ với Bắc Kinh. Hệ quả từ sự “mạnh tay” thiếu khôn ngoan lúc đó là Nhật Bản đã chọc giận người láng giềng, dẫn đến cuộc xung đột ngoại giao toàn diện giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á, khiến Bắc Kinh ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Tokyo - vốn là mặt hàng thiết yếu cho các ngành công nghệ cao.

Có thể thấy ông Noda đang tính toán để bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển Hoa Đông, chứ không muốn thổi bùng ngọn lửa căng thẳng. Một số nhà phân tích cũng đã cảnh báo rằng, việc đổ lỗi và trả đũa chỉ gây ra xung đột và nguy cơ dẫn tới chiến tranh.

Tuy nhiên, sự điềm tĩnh cần thiết của ông Noda chưa thật sự giúp tháo ngòi nổ trên biển Hoa Đông. Sáng 19-8, một nhóm gồm 10 nhà hoạt động Nhật Bản đã bơi đến đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quốc kỳ của Nhật Bản được cắm tại đảo tranh chấp. 20 thuyền chở 150 người Nhật Bản, bao gồm các nhà hoạt động và nghị sĩ địa phương, cũng đến đảo. Họ tổ chức một số hoạt động trên đảo trước khi trở về như: lễ tưởng niệm những người thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai, điều tra điều kiện đánh bắt cá ở vùng biển gần đảo Senkaku/Điếu Ngư…

Trung Quốc phản ứng tức giận, đề nghị Nhật Bản ngay lập tức ngừng hành động trên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố: “Bất kỳ hành động đơn phương nào của Nhật Bản trên đảo Điếu Ngư cũng đều bị xem là bất hợp pháp và không có giá trị”. Hàng trăm người Trung Quốc cũng biểu tình tại Quảng Châu, Thâm Quyến, Cáp Nhĩ Tân, Hàng Châu, Thanh Đảo…, yêu cầu người Nhật Bản rút khỏi đảo tranh chấp.

Trước nguy cơ diễn biến mới có thể làm đẩy căng thẳng lên hơn nữa, Chính phủ Nhật Bản bác bỏ việc cho phép nhóm trên đến đảo và nói rằng, đó là hoạt động riêng rẽ của các công dân. Tokyo còn dự kiến tháng 10 tới sẽ thay đại sứ tại Trung Quốc Uichiro Niwa. Tháng 6 vừa qua, ông Niwa cảnh báo rằng, kế hoạch của chính quyền Tokyo mua lại một số đảo tranh chấp từ tư nhân có thể gây ra “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng” giữa 2 cường quốc châu Á. Do thể hiện sai quan điểm của Tokyo nên vị đại sứ bị cả phía đảng cầm quyền lẫn các đảng đối lập chỉ trích. Ông Niwa cũng bị cho rằng không cải thiện được mối quan hệ xấu đi giữa Tokyo - Bắc Kinh.

Những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản không ngoài mục đích khẳng định chủ quyền đối với đảo tranh chấp và ngăn chặn khủng hoảng leo thang. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính Trung Quốc đang khiêu khích trên cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông với tham vọng về năng lượng. Đó là chưa nói đến nếu Chính quyền thành phố Tokyo hoàn toàn đạt được thỏa thuận mua lại một số đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư thì chắc chắn sẽ gây ra cuộc khủng hoảng cực kỳ tồi tệ trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Còn Thủ tướng Noda dù muốn hay không cũng không thể né tránh áp lực từ trong nước đòi hỏi ông kiên quyết, cứng rắn trong vấn đề chủ quyền với Trung Quốc.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.