.

Trung Quốc gây áp lực với Nhật

.

Trung Quốc tiếp tục đòi Nhật Bản phải thả người sau khi Tokyo bắt giữ các nhà hoạt động của Bắc Kinh tại quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Một nhà hoạt động Trung Quốc (giữa) được đưa đến cảng Naha, Okinawa ngày 16-8.                                                                                                                  Ảnh: news.cn
Một nhà hoạt động Trung Quốc (giữa) được đưa đến cảng Naha, Okinawa ngày 16-8. Ảnh: news.cn

Báo chí và các chuyên gia Nhật Bản ngày 16-8 cho biết, bất chấp sức ép từ phía Bắc Kinh yêu cầu thả người và bảo đảm an toàn cho 14 nhà hoạt động người Trung Quốc bị bắt giữ, Tokyo có thể sẽ truy tố hoặc trục xuất họ. Các nhà hoạt động này bị bắt giữ khi xâm nhập quần đảo đang tranh chấp giữa 2 nước vào một ngày trước đó.

Theo Tân Hoa xã, việc lực lượng tuần duyên Nhật Bản bắt giữ công dân Trung Quốc đã đẩy căng thẳng “lên mức cao mới” trong lúc Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. 5 nhà hoạt động - những người Nhật Bản đầu tiên đặt chân lên đảo Senkaku/Điếu Ngư trong 8 năm qua - đã đến thành phố Naha của tỉnh Okinawa vào ngày 16-8 và sẽ bị thẩm vấn. 9 người khác cũng được đưa đến cảng Naha vào tối cùng ngày.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 những người ngoài lãnh thổ nước Nhật đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, Tokyo đã có công văn ngoại giao phản đối chính thức về vụ việc tới Trung Quốc và Hong Kong. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng đang bị sức ép của dư luận trong nước, trong đó cả Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara cũng kêu gọi người đứng đầu Chính phủ nên có chuyến thăm đảo tranh chấp để khẳng định chủ quyền của quốc gia này.

Hãng Reuters cho biết, trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp ở Tokyo ngày 16-8, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân thúc giục Nhật Bản ngay lập tức phóng thích vô điều kiện người cùng tàu. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã triệu khẩn cấp Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Uichiro Niwa và gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi để phản đối vụ việc. Cũng trong ngày 16-8, khoảng 60 người biểu tình đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán Nhật tại Hong Kong, yêu cầu Tokyo phải phóng thích các nhà hoạt động, đồng thời từ bỏ chủ quyền đối với đảo tranh chấp.

Theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, Washington quan tâm đến tranh chấp trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói rằng, Washington không đứng về phía nào trong tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Bà Nuland cho biết, Washington mong muốn giải quyết mọi việc một cách hòa bình và bất cứ hành vi khiêu khích nào cũng đều không có lợi. Phát biểu với Reuters, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage nhận định: Không thể trả lời câu hỏi về phản ứng của Washington nếu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị tấn công khi không biết hết các điều kiện cụ thể xảy ra vụ việc.

Liên quan đến tranh chấp đảo Takeshima/Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, ngày 16-8, một quan chức cấp cao của Nhà Xanh nói rằng, Seoul giữ căng thẳng với Tokyo ở mức kiểm soát được, đồng thời bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quan hệ cơ bản về kinh tế và các quan hệ khác. Song, theo Hãng Yonhap, hàng loạt động thái mới đây như việc 2 Bộ trưởng Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni và Tokyo ngừng các hội nghị song phương với Seoul làm dấy lên quan ngại rằng, căng thẳng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Hàn Quốc đang chuẩn bị cuộc tập trận của thủy quân lục chiến với lục quân, không quân và lực lượng tuần duyên tại khu vực gần đảo tranh chấp với Nhật vào đầu tháng 9 tới. Tham gia tập trận còn có một tàu khu trục 3.200 tấn, một tàu khu trục nhỏ 1.800 tấn, một tàu ngầm, một chiến đấu cơ F-15K, một máy bay tuần duyên P-3C và một số tàu tuần duyên của lực lượng bảo vệ bờ biển.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.