.

Trung Quốc muốn độc chiếm dầu khí ở Biển Đông

.

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái của Trung Quốc thời gian qua nhằm độc chiếm Biển Đông, khu vực vốn giàu dầu khí.

Tàu đánh cá của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 7.      Ảnh: Chinanews.cn
Tàu đánh cá của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 7. Ảnh: Chinanews.cn

Bài phân tích được Reuters đăng tải ngày 1-8 cho rằng, Trung Quốc đang mở mặt trận thứ ba trong nỗ lực chiếm Biển Đông sau khi nước này có những động thái gây hấn, thậm chí “hung hăng” (theo mô tả của Nhật Bản) trên cả mặt trận ngoại giao lẫn quân sự. Bài viết này nhận định: Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), một công ty dầu khổng lồ thuộc sở hữu Nhà nước, đã làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng sau khi mời các công ty nước ngoài thầu 9 lô dầu khí trong phạm vi đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức điều hành của một tập đoàn dầu khí toàn cầu cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đang tỏ rõ lập trường hơn bao giờ hết... “Họ muốn độc chiếm Biển Đông và phát triển khu vực này”, vị quan chức nói. Việt Nam đã chỉ trích mạnh mẽ hành động mời thầu của Trung Quốc và cho rằng, điều này vi  phạm nghiêm trọng luật quốc tế. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cũng lên án CNOOC và kêu gọi các công ty năng lượng khác không tham gia đấu thầu. Hồi đầu tuần này, Philippines cũng mở thầu tại 3 khu vực trên Biển Đông, trong đó có 2 khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng chỉ nhận được 3 hồ sơ thầu.

Nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore Ian Storey đưa ra nhận định: Quan điểm của Bắc Kinh là những nước như Việt Nam và Philippines tăng cường khai thác tài nguyên của Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh phải chứng tỏ họ rất nghiêm túc trong tuyên bố chủ quyền (!?). Song, cựu Phó Chủ tịch CNOOC Zhou Shouwei nói rằng, Bắc Kinh chưa có bất kỳ hoạt động khai thác dầu khí nào trên vùng biển này, trong khi các nước khác đã sản xuất hơn 50 triệu tấn dầu tại vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền (!?). Theo Reuters, các nhà phân tích đã hoài nghi về những nhận định và con số 50 triệu tấn dầu đó. Thực tế, sản lượng dầu khí của Việt Nam tại những vùng biển không tranh chấp khoảng 16 triệu tấn/năm (126 triệu thùng), còn Philippines vẫn chưa khai thác dầu khí tại những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Giới phân tích cũng cho rằng, các tập đoàn dầu khí lớn có thể không đáp lại lời mời thầu của Trung Quốc do lo ngại căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng trên Biển Đông. Song, cũng theo các nhà phân tích, Bắc Kinh muốn tránh một cuộc xung đột, nhất là tránh sự can thiệp của Mỹ trong lúc Washington tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ người đồng minh Philippines - nước đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Hãng Reuters đồng thời dẫn lời bà Stephanie Kleine Ablbrandt, Giám đốc phụ trách Đông Bắc Á của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) nhấn mạnh: “Các hoạt động thăm dò năng lượng ở những vùng biển tranh chấp sẽ dẫn đến tranh cãi về ngoại giao hơn nữa và có thể tạo thành những cuộc xung đột nhỏ giữa tàu công vụ các nước, nhưng có thể không gây ra một cuộc chiến lớn”. Tuy nhiên, bà Ablbrandt cho rằng, nếu khám phá ra khu vực này chứa nguồn năng lượng và nếu Trung Quốc quyết định độc chiếm khai thác thì tình hình có thể sẽ thay đổi đáng kể.

Hãng Reuters dẫn báo cáo năm 2008 của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ ước tính trữ lượng dầu ở Biển Đông từ 28-213 tỷ thùng, đáp ứng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc trong hơn 60 năm. Theo báo cáo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ vào năm 2010, Biển Đông có 50% khả năng sở hữu ít nhất 2.900 tỷ m3 khí thiên nhiên chưa được phát hiện. Con số này tương đương với lượng khí thiên nhiên tiêu thụ ở Trung Quốc trong hơn 30 năm.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.