.

Căng thẳng Nhật - Trung leo thang

.

Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản trên khắp các thành phố ở Trung Quốc có thể vượt quá khả năng kiểm soát của giới chức trong lúc kỷ niệm 81 năm Ngày Nhật xâm chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Cảnh sát ngăn những người biểu tình chống Nhật Bản ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.                                                                                     Ảnh: Reuters
Cảnh sát ngăn những người biểu tình chống Nhật Bản ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ngày 18-9, hàng ngàn người biểu tình trong tâm trạng tức giận đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, yêu cầu tẩy chay hàng hóa Nhật. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở Quảng Châu, Ôn Châu, Thượng Hải và những thành phố khác. Tại nhiều tỉnh như Liêu Ninh, Cam Túc, Vân Nam, Tứ Xuyên và An Huy đều vang lên còi báo động lúc 9 giờ 18 ngày 18-9 nhằm kỷ niệm 81 năm Ngày Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc (18-9-1931 – 18-9-2012). Các cuộc biểu tình được dấy lên sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa một phần quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Hãng AP cho biết, biểu tình đã làm các công ty của Nhật Bản tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, đẩy quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào khủng hoảng nghiêm trọng. Theo đó, hàng trăm cửa hàng và công ty trên khắp Trung Quốc cùng với Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh đã ngừng hoạt động do những người biểu tình ném trứng và chai lọ. Các công ty của nhà sản xuất ô-tô Toyota, Honda… là mục tiêu của những người biểu tình. Các công ty khác, từ Mazda, Mitsubishi Motors đến Panasonic, đều đóng cửa các cơ sở và cửa hàng tại Trung Quốc. Mazda tạm ngừng sản xuất tại nhà máy ở Nam Ninh, trong khi Yamaha ngừng hoạt động 4 nhà máy. Công ty Hitachi đã triệu hồi 25 công dân Nhật Bản trở về nước do lo ngại bất ổn… Theo AP, không có các cuộc trao đổi nào về việc rút đầu tư của Nhật khỏi Trung Quốc, nhưng một số chuyên gia cho rằng, những gì đang diễn ra có thể khiến các công ty của Tokyo phải xem xét lại việc đầu tư lâu dài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong lúc này, 2 nhà hoạt động của Nhật Bản lại lên đảo Uotsurijima, một trong các đảo tranh chấp. Lực lượng tuần duyên của Nhật Bản ngày 18-9 thẩm vấn 2 nhà hoạt động này và nguyên nhân vụ việc vẫn chưa được làm rõ. Cũng trong sáng cùng ngày, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật cảnh báo một tàu cá Trung Quốc neo đậu gần các đảo. Theo Kyodo, lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật phát đi thông báo khẩn cho biết 10 tàu Hải giám và một tàu cá lớn của Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Một ngày trước đó, có những nguồn tin cho hay, 1.000 tàu cá Trung Quốc tiến đến vùng biển này.

Đối với việc 2 nhà hoạt động Nhật Bản đến đảo tranh chấp, Trung Quốc không phản ứng gay gắt. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi gọi đây là hành động khiêu khích vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 18-9, liên quan đến việc thúc đẩy quan hệ song phương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, Washington sẽ mời Bắc Kinh cử tàu tham gia một cuộc tập trận Hải quân chung vào năm 2014.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang có chuyến công cán ở Bắc Kinh đã kêu gọi Chính phủ 2 nước láng giềng ở châu Á phải điềm tĩnh, kiềm chế. Washington khẳng định sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề tranh chấp mặc dù cường quốc ở bên kia đại dương là đồng minh thân thiết của Nhật Bản. Gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, ông Panetta kêu gọi Trung Quốc thúc đẩy hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, tránh sự hiểu nhầm để giảm thiểu nguy cơ đối đầu. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh: Mục tiêu là Mỹ và Trung Quốc thiết lập mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, đồng thời điều quan trọng là thiết lập quan hệ hợp tác quân sự mạnh mẽ. Ông Panetta không bình luận về tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, mà nhấn mạnh thông điệp rằng, Bắc Kinh - Tokyo cần chia sẻ quan điểm chung đối với các vấn đề khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ có các hành động mạnh mẽ hơn để chống lại Nhật Bản. Ông Lương Quang Liệt cho rằng, Tokyo nên chịu hoàn toàn trách nhiệm về tranh chấp. Song, ông Panetta đã xoa dịu và nói rằng, cả ông Lương Quang Liệt lẫn các nhà lãnh đạo quốc phòng của Nhật sẽ tìm giải pháp để giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.