.
ĐẠI SỨ THIỆT MẠNG Ở LIBYA:

Mỹ tức giận, cam kết điều tra

.

Mỹ đã sơ tán tất cả nhân viên ở Libya sau khi một đại sứ của Washington thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào xe của ông.

Người dân Libya biểu tình phản đối vụ tấn công làm đại sứ Mỹ thiệt mạng. Trên một biểu ngữ của đoàn người biểu tình ghi rõ: “Libya không phải là Afghanistan”.                                                                                                                     Ảnh: Reuters
Người dân Libya biểu tình phản đối vụ tấn công làm đại sứ Mỹ thiệt mạng. Trên một biểu ngữ của đoàn người biểu tình ghi rõ: “Libya không phải là Afghanistan”. Ảnh: Reuters

Tổng thống Barack Obama cam kết điều tra và trừng phạt các tay súng gây ra cái chết của đại sứ Mỹ Christopher Stevens cùng 3 nhân viên người Mỹ (trong đó có chuyên gia công nghệ thông tin Sean Smith) khi xảy ra vụ tấn công tại Benghazi vào đêm 11-9. Ông Stevens, nhà ngoại giao 52 tuổi được sinh ra ở California (Mỹ), là đại sứ Mỹ đầu tiên chết trong một vụ tấn công kể từ năm 1979 - thời điểm đại sứ Mỹ tại Afghanistan Adolph Dubs cũng chết trong một vụ bắt cóc. Theo Reuters, những kẻ tấn công đã có mặt trong đám đông biểu tình xông vào Lãnh sự quán Mỹ nhằm phản đối một bộ phim Mỹ bị cáo buộc xúc phạm đạo Hồi và đấng tiên tri Mohammad. Những kẻ tấn công dùng súng cối và lựu đạn. Theo các quan chức Mỹ và Libya, vụ này đã lên kế hoạch trước đó.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama khẳng định: “Công lý sẽ được thực thi”. Ông ra lệnh gia tăng an ninh tại các điểm ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu. Theo đó, tất cả nhân viên Mỹ từ Benghazi đến Tripoli đều được sơ tán. Đồng thời, quân đội Mỹ cũng đang điều động 2 tàu khu trục cùng lính thủy đánh bộ tiến về Libya. Tổng thống Obama khẳng định vụ tấn công sẽ không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ với Chính phủ mới của Libya. Nhà lãnh đạo lâm thời của Chính phủ Tripoli Mohammed Magarief cũng đã gửi lời xin lỗi đến Washington và cam kết điều tra vụ việc. Song, theo các hãng tin, diễn biến mới này khơi mào cho căng thẳng chính trị giữa ông Obama với đối thủ trong cuộc đua Tổng thống - ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney khi ông này chỉ trích phản ứng của nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Các nhà chức trách Libya xác định những kẻ tấn công thuộc nhóm Hồi giáo địa phương Ansar al-Sharia (tạm dịch là Những người ủng hộ Luật Hồi giáo) vốn có nhiều thiện cảm với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Các quan chức Mỹ không những nghi ngờ nhóm Ansar al-Sharia liên quan mà còn có cả nhóm Islamic Maghreb, một chi nhánh Al-Qaeda có trụ sở ở Bắc Phi. Song, một số quan chức Mỹ bác bỏ nhận định vụ tấn công được lên kế hoạch trùng thời điểm kỷ niệm 11 năm sự kiện 11-9.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình với những xung đột cũng diễn ra gần Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào đêm 12-9 và ngày 13-9 nhằm phản đối bộ phim xúc phạm đạo Hồi và đấng tiên tri Mohammad, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán đám đông. Truyền thông Mỹ cho biết, bộ phim mang tựa đề “Innocence of Muslims” do Mỹ và Israel sản xuất. Tuy nhiên, các thông tin trên mạng Internet xác định nhà sản xuất là Sam Bacile và cái tên này có nguồn gốc từ Ai Cập.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đang ở Brussels (Bỉ) cam kết bảo vệ những người nước ngoài và các nhà ngoại giao đang thực hiện sứ mệnh ở đất nước ông. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: Chính phủ Cairo bảo đảm với Tổng thống Obama rằng, sẽ không cho phép sự việc tương tự nhằm vào các đại sứ quán xảy ra ở Ai Cập. Mỹ vốn có sứ mệnh lớn ở Cairo, một phần do chương trình viện trợ lớn sau hiệp ước hòa bình mà quốc gia Trung Đông này ký với Israel vào năm 1979. Mỗi năm Washington cung cấp 1,3 tỷ USD cho quân đội Ai Cập.

Tại Yemen ngày 13-9, những người biểu tình đã bao vây Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sanaa để phản đối bộ phim nói trên. Yemen được xem là nơi có một chi nhánh Al-Qaeda hoạt động và Mỹ là lực lượng nước ngoài chính ủng hộ Chính phủ Sanaa trong cuộc chiến chống khủng bố. Reuters cho rằng, bạo lực ở Benghazi, Cairo, cùng biểu tình ở Yemen đe dọa sẽ lan sang các nước Hồi giáo khác và khiến Mỹ phải lo lắng, tìm cách đối phó.  

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.