.

Mỹ kêu gọi ASEAN đoàn kết

.

Sau quần đảo Cook, Indonesia là chặng dừng chân thứ hai của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào ngày 3-9 trong chuyến công du 6 nước châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây, bà Clinton tiếp tục đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến thăm quần đảo Cook.                                                                                                       Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến thăm quần đảo Cook. Ảnh: AFP

Hãng AP cho biết, Ngoại trưởng Clinton đã hiện diện ở thủ đô Jakarta để bày tỏ việc Washington ủng hộ kế hoạch của khu vực nhằm giảm căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Thông điệp mà bà mang theo trong chuyến công cán 11 ngày nói chung và chặng dừng chân ở Indonesia nói riêng là Mỹ cam kết ủng hộ các nước trong khu vực. Bà kêu gọi các nước Đông Nam Á thể hiện một mặt trận thống nhất trong việc đối phó với Trung Quốc.

Trao đổi với báo giới, một quan chức Mỹ nói rằng, bà Clinton muốn thúc đẩy “một ASEAN đoàn kết tiến về phía trước”. Báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Một trong những thông điệp của chúng tôi là làm dịu những cái đầu nóng”. Cũng theo quan chức này, điều quan trọng nhất là tiến hành đối thoại ngoại giao giữa một ASEAN đoàn kết và Trung Quốc hơn là thông qua bất kỳ hình thức cưỡng chế nào. Washington ủng hộ tuyên bố mới đây của các Ngoại trưởng ASEAN về việc đoàn kết và sớm thực thi Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).

Indonesia đóng vai trò hàng đầu trong kế hoạch gồm 6 điểm của ASEAN sau khi khối này lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm không có thông cáo chung tại Hội nghị các Ngoại trưởng hồi tháng 7 vừa qua tại Campuchia. Với chuyến ngoại giao con thoi ngay sau đó, Ngoại trưởng Indonesia Mary Natalegawa đã nỗ lực để kết nối ASEAN, ngăn chặn nguy cơ chia rẽ của khối 10 thành viên như cảnh báo của một số nhà quan sát, và từ đó hình thành nên kế hoạch 6 điểm.

Hôm nay (4-9), người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Gần đây, Washington đã chỉ trích Trung Quốc khi Bắc Kinh thiết lập quân đội đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên Biển Đông. Còn Bắc Kinh cáo buộc bà Clinton tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của cường quốc châu Á, đặc biệt với chuyến công cán lần này. Một bài bình luận do Tân Hoa xã đăng tải ngày 3-9 cho rằng, Mỹ cần “trở lại châu Á với tư cách người kiến tạo hòa bình, thay vì là kẻ gây rối”. Theo bài viết này, tình hình an ninh ở khu vực trở nên xấu đi bởi tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông đang leo thang. Song, nguyên nhân một phần bị cho là do Mỹ đã châm ngòi thêm căng thẳng.

Trong lúc đó, Trung Quốc đang hướng đến sự hợp tác đôi bên cùng có lợi với Nga và vấn đề này cũng là mối quan tâm tại Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) thường niên sắp tới ở thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga. Đại sứ Trung Quốc tại Nga Li Hui nói rằng, sự hợp tác giữa Bắc Kinh với Mátxcơva sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2011, giao dịch thương mại giữa 2 nước đạt 83,2 tỷ USD và mục tiêu đặt ra là đến năm 2015, con số này sẽ vươn đến 100 tỷ USD, năm 2020 là 200 tỷ USD.

Cuối tuần này, bà Clinton sẽ dừng chân ở Brunei, đánh dấu bà là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm cả 10 nước thành viên ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng sẽ đến Trung Quốc vào cuối tháng 9 này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.