.

Mỹ lạc quan về vấn đề Biển Đông

.

Ngày 4-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rời thủ đô Jakarta của Indonesia để đến Trung Quốc với kỳ vọng thúc đẩy tiến trình tháo gỡ căng thẳng trên Biển Đông.

Chuyến công cán 11 ngày đánh dấu lần thứ ba Ngoại trưởng Hillary Clinton đến châu Á - Thái Bình Dương kể từ tháng 5-2012 đến nay. Song, ngay trước khi bà Clinton đến Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo Mỹ không nên liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ Tổng thống Indonesia Bambang Susilo Yudhoyono tại Jakarta ngày 4-9.                                             Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp gỡ Tổng thống Indonesia Bambang Susilo Yudhoyono tại Jakarta ngày 4-9. Ảnh: AFP

Không ép buộc, không đe dọa, không dùng vũ lực

Theo Hãng AFP, thông điệp mà nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ mang đến không chỉ là thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà còn là niềm lạc quan với khu vực Đông Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, bà thấy những dấu hiệu tích cực ở Đông Nam Á và kỳ vọng về tiến trình của COC trong việc giải quyết căng thẳng trên Biển Đông trước lúc Hội nghị thượng đỉnh châu Á diễn ra tại Campuchia vào tháng 11 tới với sự tham dự của Tổng thống Barack Obama. Thông điệp của bà dành cho riêng Trung Quốc còn là phải kiềm chế trên Biển Đông. Song, bà vẫn khẳng định quan điểm của Mỹ rằng, không bên nào được có động thái làm gia tăng căng thẳng hoặc làm bất kỳ điều gì mang tính cưỡng chế hay đe dọa để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền. Washington tin rằng, COC sẽ thiết lập đối thoại và cơ chế để tháo gỡ tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời ngăn chặn xung đột leo thang.

Trong khi đó, AP cho biết, Ngoại trưởng Clinton thúc giục tất cả các bên liên quan thực hiện “tiến trình ý nghĩa” trong việc kết thúc xung đột  trước tháng 11 tới mà “không bị ép buộc, không bị đe dọa và chắc chắn không sử dụng vũ lực”. Trước khi đến Trung Quốc, gặp gỡ Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan vào ngày 4-9, bà Clinton cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với kế hoạch 6 điểm mà Jakarta đã nỗ lực để đạt được nhằm xoa dịu căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông. Bà nói rằng, Mỹ cũng có mối quan tâm chung như mọi nước khác, đó là việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, không bị cản trở thương mại hợp pháp trên Biển Đông. Nữ quan chức ngoại giao của Mỹ còn nhấn mạnh Washington muốn tranh chấp được giải quyết giữa Trung Quốc và ASEAN.

Tuy nhiên, Trung Quốc không những vẫn chỉ trích sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông mà còn không ủng hộ đàm phán đa phương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn nói rằng, vấn đề Biển Đông là tranh chấp giữa các nước trong khu vực và nên được đàm phán, giải quyết giữa các nước liên quan bằng cách hữu nghị. Người phát ngôn Hồng Lỗi cảnh báo các nước khác ngoài khu vực nên tôn trọng sự lựa chọn của những nước ASEAN và hỗ trợ hơn nữa để duy trì hòa bình, ổn định. “Trung Quốc cũng như bất kỳ nước nào trên thế giới có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình (!?)”, ông Hồng Lỗi tuyên bố.

Tham vọng của Bắc Kinh đối với các khu vực biển ở phía Tây Thái Bình Dương đã và đang làm dấy lên nhiều lo ngại. Trong lúc Mỹ tăng cường quan hệ với các đồng minh và củng cố sự hiện diện quân sự trong khu vực, Trung Quốc cáo buộc Washington muốn kiềm chế, ngăn cản sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Trung Quốc hỗ trợ Campuchia hơn 500 triệu USD

Hãng Reuters ngày 4-9 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Campuchia Aun Porn Moniroth cho biết, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ cho Phnom Penh vay hơn 500 triệu USD. Đồng thời, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cảm ơn Campuchia đã giúp Bắc Kinh duy trì tốt các mối quan hệ với những thành viên ASEAN. 4 thỏa thuận vay trong các dự án đặc biệt trị giá 420 triệu USD được Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tuần qua. 3 khoản vay khác trị giá hơn 80 triệu USD dự kiến sẽ được lãnh đạo 2 nước ký kết trong năm nay. Bộ trưởng Moniroth còn nói thêm rằng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cam kết khoản tiền 24 triệu USD làm quà cho Campuchia để sử dụng trong bất kỳ dự án ưu tiên nào.

Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, Thủ tướng Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh sẽ hợp tác chặt chẽ với Campuchia và ủng hộ nước này để bảo đảm thành công đối với hàng loạt cuộc gặp gỡ sắp tới với các nhà lãnh đạo Đông Á. Các cuộc gặp này sẽ diễn ra ở Campuchia vào tháng 11 tới.

Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, Hội nghị các Ngoại trưởng của khối vào tháng 7 vừa qua đã thất bại vì không ra được thông cáo chung. Với tư cách là nước chủ trì các hội nghị ASEAN trong năm 2012, Campuchia bị một số nước chỉ trích rằng đã bỏ qua lợi ích chung của khối mà hỗ trợ đồng minh Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc đầu tư vào Campuchia tổng cộng 1,9 tỷ USD, gấp đôi các nước ASEAN rót vào Phnom Penh và thậm chí gấp 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào quốc gia này. Không những thế, Bộ trưởng Moniroth còn tiết lộ: Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã xem xét đề xuất của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc Trung Quốc cung cấp những khoản vay mới trị giá từ 300-500 triệu USD/năm và thực hiện trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, một công ty của Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy thép tại Campuchia, tạo việc làm cho khoảng 10.000 người và sản xuất 3 triệu tấn thép/năm.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.