.

Mỹ trấn an Trung Quốc

.

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta khẳng định chính sách quân sự mới của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có kế hoạch đặt hệ thống phòng thủ tên lửa - radar thứ hai ở Nhật Bản, không nhằm đe dọa Trung Quốc.

Gặp gỡ Phó Chủ tịch Tập Cận Bình (bìa phải), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định chiến lược của Mỹ không nhằm vào Trung Quốc.     Ảnh: AP
Gặp gỡ Phó Chủ tịch Tập Cận Bình (bìa phải), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định chiến lược của Mỹ không nhằm vào Trung Quốc. Ảnh: AP

Ngày 19-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến thủ đô Bắc Kinh, gặp gỡ Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc trao đổi với người được dự kiến trở thành Chủ tịch Trung Quốc và gặp gỡ quân đội nước này, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã xoa dịu mối quan ngại của Bắc Kinh khi Washington đã và đang chuyển trọng tâm chiến lược từ Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời hợp tác với Nhật Bản để thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực.

Theo AP, “chính sách châu Á mới” của Mỹ được tiết lộ vào đầu năm nay đã gây những quan ngại về nguy cơ căng thẳng và xung đột với Trung Quốc. Song, trong bài phát biểu của mình, ông Panetta khẳng định việc Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương là một nỗ lực xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh. “Sự cân bằng của chúng tôi đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nhằm vào Trung Quốc. Đây là nỗ lực để khuyến khích Trung Quốc và mở rộng vai trò của mình ở Thái Bình Dương”, ông Panetta nói. Ông chủ Lầu Năm Góc còn nhấn mạnh đến việc tạo ra một mô hình mới trong quan hệ giữa 2 cường quốc, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ và xây dựng lòng tin, bất chấp những khác biệt. Trao đổi với Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Panetta nói rằng, 2 cường quốc ở 2 bờ đại dương có những mối quan tâm chung và mục tiêu của Mỹ là bảo đảm không có tranh chấp hoặc hiểu lầm leo thang thành căng thẳng hoặc xung đột.

Hãng AP cho biết, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào sự ủng hộ của Washington với Đài Loan, cụ thể là những hợp đồng bán vũ khí cho lãnh thổ này. Thời gian gần đây là bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Trung Quốc khuyến cáo Mỹ không được can thiệp, nhưng Washington vẫn thúc đẩy đàm phán đa phương giữa ASEAN với Bắc Kinh. Thêm vào đó, trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản xung quanh đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh không thể không lo ngại Mỹ đứng về phía đồng minh Nhật Bản. Giới phân tích ở Trung Quốc đổ lỗi rằng, việc Mỹ chuyển trục xoay chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương đã khuyến khích các nước như Nhật Bản cứng rắn hơn khi đối đầu với Bắc Kinh. Vì vậy, thông điệp của ông Panetta mang đến Bắc Kinh bị cho là không thuyết phục được nền kinh tế lớn nhất châu Á. Thực tế, vị quan chức của Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ Nhật - Trung, nhưng lại thừa nhận Washington có trách nhiệm bảo vệ Tokyo theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công. Cũng theo ông Panetta, Washington và Bắc Kinh không phải lúc nào cũng nhất trí trên các vấn đề, điều quan trọng là việc phải vượt lên những bất đồng để hướng đến những lĩnh vực mà 2 bên có thể hợp tác; cần ngừng tập trung vào vấn đề tranh chấp ở khu vực và những nghi ngờ để tìm thấy những tiềm năng mà Mỹ và Trung Quốc có thể bắt tay nhau.

Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản đàm phán

Ngày 19-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thúc giục Nhật Bản quay trở lại đàm phán để giải quyết tranh chấp, đồng thời khẳng định việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku của Chính phủ Nhật Bản sẽ không thành công.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cho biết, ông đã thảo luận về vấn đề quần đảo Điếu Ngư với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi người đứng đầu Lầu Năm Góc đang ở thăm Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc thúc giục Mỹ nên tôn trọng lời hứa của mình là không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

Cũng trong ngày 19-9, theo Đài NHK của Nhật Bản và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, khoảng 100 tàu cá của Bắc Kinh bắt đầu đánh bắt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư dưới sự hộ tống của 12 tàu công vụ. Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của tàu công vụ, tàu cá Trung Quốc. Ngoài ra, các tàu hải giám và ngư chính của Trung Quốc cũng đang lăm le tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh Senkaku/ Điếu Ngư. Trên đất liền của Trung Quốc, làn sóng biểu tình chống Nhật chưa có dấu hiệu lắng dịu. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang nói rằng, Nhật Bản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước những tác động thương mại từ việc tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước.

Hãng AP cho biết, 4 nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập của Nhật Bản cam kết bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo, cựu Thủ tướng Shinzo Abe chỉ trích Chính phủ Bắc Kinh không thể bảo vệ được công dân Nhật Bản đang sống tại Trung Quốc. LDP sẽ tổ chức chọn lãnh đạo đảng vào ngày 26-9 tới và người chiến thắng sẽ có thể trở thành Thủ tướng nếu đảng này giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sớm.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.