(ĐNĐT) - Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Trung Quốc ngày 5-9 đã kết thúc mà không mang lại một kết quả cụ thể nào.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì không tìm được tiếng nói chung tại Bắc Kinh. Ảnh: Getty |
Tại Trung Quốc, bà Hillary Clinton đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì và các quan chức cấp cao khác ngoài ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo kế cận.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bị chia rẽ trong vấn đề làm thế nào để kết thúc đổ máu tại Syria và giảm căng thẳng trên Biển Đông cũng như các điểm nóng toàn cầu khác.
Bà Clinton muốn Trung Quốc ngừng hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar Assad; thúc đẩy Trung Quốc phải mềm dẻo hơn trong việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông giàu tài nguyên dầu mỏ.
Các tuyên bố của bà Clinton và ông Dương Khiết Trì cho thấy, hai nước vẫn còn chia rẽ sâu sắc về các vấn đề trên mặc dù cả hai đều muốn nhấn mạnh tới việc cam kết cùng nhau hợp tác cho dù có những khác biệt.
Tại cuộc họp báo chung với bà Clinton, ông Dương Khiết Trì tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng, lịch sử sẽ phán xét lập trường của Trung Quốc về vấn đề Syria là thúc đẩy phù hợp với tình hình bởi tất cả những gì chúng tôi nghĩ là vì lợi ích của người dân Syria và khu vực, cùng với lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới”.
Trong khi đó, bà Clinton trước đó từng nói rằng, sự phủ quyết của Trung Quốc và Nga đối với lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Syria đã đặt các nghị quyết “vào mặt trái của lịch sử”.
Đáp lời ông Dương Khiết Trì về vấn đề Syria tại cuộc họp báo, bà Clinton cho rằng, Mỹ không “bí mật” gì khi tuyên bố thất vọng với phủ quyết của Trung Quốc và Nga về vấn đề Syria. Đồng thời bà Clinton nhắc lại rằng, phương hướng hành động tốt nhất vẫn là hành động mạnh mẽ hơn nữa của Liên Hợp Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, ông Dương Khiết Trì cho rằng, lập trường của Trung Quốc là nhất quán. Ông còn cho rằng, không ở đâu, lợi ích của Trung Quốc và Mỹ lại hội tụ và đan xen nhiều như ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bà Clinton nhắc lại lập trường của Mỹ là không đứng về phía nào trong tranh chấp trên Biển Đông mà chỉ nói rằng, Mỹ muốn Trung Quốc và các nước ASEAN đồng ý về một bộ quy tắc ứng xử (COC) để tránh xảy ra xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ muốn Trung Quốc từ bỏ ý định giải quyết xung đột về chủ quyền song phương với từng nước trong khu vực mà không thực hiện một cơ chế đa phương vốn sẽ tạo cho các nước nhỏ trong ASEAN có được lợi thế trong đàm phán.
Mỹ muốn tất cả các bên tạo ra tiến bộ có nghĩa tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 tới tại Campuchia, nơi Tổng thống Barack Obama có kế hoạch tham dự.
“Chúng tôi tin rằng, giờ đây đã đến lúc xử lý công việc đó và giúp làm giảm căng thẳng, tạo dựng bộ quy tắc ứng xử trong giai đoạn mới, với hy vọng việc đó sẽ được đưa vào trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á”, bà Clinton nói.
Ngoài các vấn đề trên, chính phủ của Tổng thống Obama cũng muốn hợp tác hơn nữa với Trung Quốc về các vấn đề quốc tế, kể cả việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran cũng như tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Quang Hiển (theo Reuters, Time)