Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon vừa phát biểu rằng, nhà sản xuất bộ phim “Innocence of Muslims” (tạm dịch: “Sự ngây thơ của người Hồi giáo”) kích động bạo lực trên khắp thế giới Hồi giáo những ngày qua đã lạm dụng quyền tự do, đồng thời ông gọi đây là hành động đáng xấu hổ. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mô tả bộ phim là “kinh tởm và đáng bị phê phán”.
Biểu tình ở Jordan phản đối bộ phim xúc phạm đến đấng tiên tri Mohammad. Ảnh: Reuters |
Phim “Innocence of Muslims” do một người theo đạo Cơ đốc sống ở Mỹ sản xuất vào năm ngoái, xuất hiện trên trang mạng YouTube vào tháng 7 năm nay, nhưng chỉ làm người Hồi giáo nổi giận thời gian gần đây khi được các nhà hoạt động Hồi giáo ở Mỹ đưa đến Ai Cập. Hệ lụy của thông điệp “đáng xấu hổ, kinh tởm và đáng bị phê phán” đó - thông điệp phỉ báng đạo Hồi và đấng tiên tri Mohammad là các cuộc biểu tình chống Mỹ đầy bạo lực diễn ra không những ở nhiều quốc gia Hồi giáo mà còn cả ở châu Âu, châu Á, châu Phi…, làm ít nhất 30 người chết. Đáng chú ý là cuộc biểu tình của hàng ngàn người Ai Cập trước Đại sứ quán Mỹ tại Cairo và vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya, làm đại sứ Mỹ Christopher Stevens thiệt mạng. Mỹ quan ngại; các nước châu Âu cũng quan ngại rằng những cơ sở và người dân của mình sẽ bị tấn công trong lúc cơn thịnh nộ vốn âm ỉ của người Hồi giáo nay bùng phát và được dự báo sẽ không dừng lại. Rồi ngay cả gia đình ông Nakoula Basseley Nakoula, người làm bộ phim gây phẫn nộ này, đã được cảnh sát hộ tống khỏi bang California để đến một địa điểm bí mật.
Với những gì đang diễn ra thì Mỹ và các nước phương Tây như Pháp, Đức… không thể không lo lắng bởi đây không phải là lần đầu tiên đấng tiên tri Mohammad bị người Mỹ xúc phạm và lần nào người Hồi giáo cũng phản ứng mạnh mẽ, gay gắt, thậm chí đẩy vụ việc làm chấn động thế giới. Lần này thì ở các khu vực như Trung Đông, châu Phi, châu Á, bất ổn cũng có thể xảy ra nếu làn sóng phản đối không dịu lại và bạo lực không được kiểm soát.
Pháp, nước có đông người Hồi giáo nhất ở Tây Âu - ước tính khoảng 10% dân số, đã đổ dầu vào lửa khi Tạp chí Charlie Hebdo vừa đăng tải các bức tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammad khỏa thân. Chính phủ Paris bảo vệ quyền xuất bản của Charlie Hebdo, đồng thời ngăn cấm biểu tình chống lại bộ phim. Nhưng hệ lụy là Điện Elysée đã phải ra lệnh cho Đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa và các trường học quốc tế của Pháp tại khoảng 20 quốc gia đóng cửa trong hôm nay (21-9) - ngày cầu nguyện chính của người Hồi giáo. Một số hành động đã được triển khai ngay như thắt chặt an ninh tại Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Cairo (Ai Cập), tất cả trường học và cơ sở văn hóa Pháp tại quốc gia Trung Đông này sẽ đóng cửa từ ngày 20-9. Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Jakarta (Indonesia) cũng đóng cửa trong ngày 21-9. Hiện Đại sứ quán và một trường học của Pháp ở Tunisia đã ngừng hoạt động. An ninh tại Pháp và tại các cơ quan ở nước ngoài được thắt chặt. Bộ Ngoại giao Pháp cảnh báo công dân của mình tránh đi du lịch đến các nước Hồi giáo…
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney so sánh việc Tạp chí Charlie Hebdo đăng tải tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammad chẳng khác gì bộ phim “Innocence of Muslims”. Và như vậy, vô hình trung Chính phủ Pháp cũng phải đối mặt với cơn thịnh nộ này, thay vì sự tức giận chỉ đơn thuần nhằm vào Mỹ.
Với lời kêu gọi của chi nhánh Al-Qaeda tại Bắc Phi, có thể những tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới sẽ tiếp tục khuấy động làn sóng chống đối Mỹ để trả đũa. Điều này thật sự là trở ngại lớn đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông bước vào chiến dịch tranh cử. Có thể vì sức ép của những người biểu tình, lãnh đạo một số nước sẽ phải có những động thái lạnh nhạt với Mỹ, chẳng hạn như trường hợp của Tổng thống theo Hồi giáo của Ai Cập - ông Mohamed Morsi. Nhà lãnh đạo này đang bị thúc giục cắt đứt quan hệ với Washington. Ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney sẽ không bỏ lỡ dịp chỉ trích đối thủ.
PHƯƠNG THẢO