.

Nguy cơ chiến tranh thương mại Trung - Nhật

.

Nhật Bản đang phải chịu những thiệt hại về kinh tế do các cuộc biểu tình chống Tokyo diễn ra ở Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp đảo trên biển Hoa Đông. Những cơ sở của các hãng Panasonic, Toyota, Canon... tại Trung Quốc đều tạm ngừng hoạt động.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto tại Tokyo.                                                                                  Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto tại Tokyo. Ảnh: AP

Ngày 17-9, báo chí Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh thúc đẩy các cơ sở pháp lý trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tờ Nhân dân nhật báo cũng cảnh báo rằng, Tokyo có thể chịu “một thập niên mất mát” của tình trạng kinh tế trì trệ nếu Bắc Kinh dùng biện pháp trả đũa thương mại.

Cảnh báo trên được đưa ra sau một tuần các cuộc biểu tình chống Nhật Bản diễn ra trên khắp các thành phố của Trung Quốc, đẩy quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới vào khủng hoảng nghiêm trọng. Theo Reuters, Trung Quốc rất hiếm khi cho phép các cuộc biểu tình trên đường phố nhưng nay không có phản ứng trong lúc người dân nước này bày tỏ sự tức giận trước việc Chính phủ Tokyo quốc hữu hóa một phần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thêm vào đó, Trung Quốc sẽ đưa việc tranh chấp lên một ủy ban của LHQ. Deng Zhonghua, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, điều này minh chứng quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Song, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng muốn đưa vấn đề này ra LHQ. Chính phủ Nhật Bản đồng thời cảnh báo người dân nước mình về các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể diễn ra ở Trung Quốc vào hôm nay (18-9). Nhiều trường học của Nhật Bản trên khắp đất nước Trung Quốc, bao gồm các trường ở Bắc Kinh và Thượng Hải, đều phải đóng cửa trong tuần này.

Cũng theo Reuters, hầu hết các chi nhánh công ty của Nhật Bản tại Trung Quốc phải tạm đóng cửa. Cơ sở của Hãng điện tử Panasonic tại thành phố Thanh Đảo sẽ đóng cửa đến ngày 18-9 tới. Hãng Canon cũng tạm dừng các hoạt động tại 3 nhà máy ở Trung Quốc đến ngày 18-9. Một số công ty khác như Toyota, Honda đều bị ảnh hưởng từ làn sóng biểu tình trong những ngày qua. Các nhà phân tích cũng nhận định rằng, các cuộc biểu tình đã bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, và Tokyo là đối tác thương mại lớn thứ ba của Bắc Kinh. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, bất kỳ sự tổn hại nào trong quan hệ thương mại và đầu tư cũng sẽ tác động xấu đến cả hai nền kinh tế. Năm ngoái, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt 340 tỷ USD.

Cũng trong ngày 17-9, gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Tokyo, Thủ tướng Yoshihiko Noda thúc giục Trung Quốc bảo vệ công dân Nhật Bản. Ông Panetta nói rằng, Mỹ sẽ tuân thủ Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật nhưng không đứng về bên nào trong tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi cả hai bên điềm tĩnh và kiềm chế. Hãng AP cho hay, Bộ trưởng Panetta cũng bày tỏ mong muốn các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tìm ra giải pháp hòa bình để tránh các hành động khiêu khích và căng thẳng leo thang.

Tại Tokyo, ông Panetta còn gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto và Ngoại trưởng Koichiro Gemba, sau đó đến căn cứ Không quân Yokota, cách Tokyo 30 dặm về phía Tây Bắc để thăm các binh sĩ Mỹ trước khi đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Đây là chuyến công du châu Á lần thứ ba của người đứng đầu Lầu Năm Góc trong 11 tháng qua.

Mỹ, Nhật triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 17-9 cho biết, các quan chức Washington và Tokyo đã thống nhất việc lắp đặt hệ thống tên lửa thứ hai tại Nhật Bản. Vị trí chính xác của hệ thống tên lửa chưa được quyết định, có thể ở miền Nam nhưng không ở Okinawa. Hãng AP dẫn lời các nhà chức trách Nhật Bản nhấn mạnh: Hệ thống radar nhằm bảo vệ khu vực Đông Bắc Á chống lại mối đe dọa của các tên lửa từ CHDCND Triều Tiên và không nhằm vào Trung Quốc. Trước đó, Mỹ cũng có hệ thống radar cảnh báo sớm tương tự được lắp đặt trên các tàu ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ bảo vệ nước Mỹ khỏi sự đe dọa của CHDCND Triều Tiên. Song, theo AP, quyết định của Washington và Tokyo chắc chắn sẽ làm Bắc Kinh tức giận.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.