.

Nhật Bản muốn Trung Quốc bồi thường thiệt hại

.

Nhật Bản đang xem xét các thiệt hại mà nước này phải chịu do các cuộc biểu tình chống Tokyo đã và đang diễn ra ở Trung Quốc. Trong đó, riêng ngành công nghiệp ô-tô của Nhật Bản thiệt hại đến 250 triệu USD.

Biểu tình chống việc quốc hữu hóa đảo Senkaku/ Điếu Ngư trước Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải.                                                                     Ảnh: AP
Biểu tình chống việc quốc hữu hóa đảo Senkaku/ Điếu Ngư trước Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải. Ảnh: AP

Ngày 20-9, Chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại ở các cơ quan ngoại giao của nước này do làn sóng biểu tình chống Nhật diễn ra liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Tuyên bố được đưa ra trong lúc các nhà chức trách Trung Quốc chuẩn bị những giải pháp nhằm làm xoa dịu phản ứng của công chúng đối với việc Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa một phần của đảo tranh chấp, trong đó Bắc Kinh ban hành lệnh cấm các cuộc biểu tình.

Hãng AFP dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, Tokyo dự định yêu cầu đền bù từ phía Trung Quốc đối với sứ quán và lãnh sự quán bị hư hại, bởi đó là vấn đề giữa các Chính phủ. Cũng theo ông Fujimura, bất kỳ thiệt hại nào đối với tài sản của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đều phải được giải quyết tại chỗ theo luật địa phương.

Cũng theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Tokyo sẽ cử đặc phái viên tới Trung Quốc nhằm tìm cách giải quyết căng thẳng. Song, vẫn chưa có thông tin cụ thể quan chức ngoại giao này sẽ nhận sứ mệnh đến Trung Quốc.

Trong lúc đó, Reuters cho hay, trong những ngày diễn ra biểu tình ở Trung Quốc, ước tính thiệt hại của các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản, đứng đầu là Nissan, lên đến 250 triệu USD; đồng thời đối mặt với nguy cơ hàng bán ra sụt giảm tại thị trường ô-tô lớn nhất thế giới. Các cơ sở của những hãng như Nissan, Honda, Toyota tại Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động do lo ngại bạo lực. Cụ thể, theo ước tính của IHS Automotive công bố ngày 20-9, việc sản xuất ô-tô của Nhật Bản sụt giảm khoảng 14.000 chiếc, tức thiệt hại khoảng 250 triệu USD và con số này có thể tăng nữa.

Toyota nói rằng, một số nhà máy của hãng này ở Trung Quốc ngừng hoạt động nhưng không đưa ra con số cụ thể. Honda cho biết, có 2 nhà máy đóng cửa trong khi các cơ sở của Nissan vừa mới hoạt động trở lại. Nissan là nhà sản xuất ô-tô của Nhật Bản thành công nhất ở Trung Quốc với doanh số tại thị trường nước này chiếm 27% doanh số bán ra toàn cầu. Con số này của Honda là 18%, Toyota là 11%.

Liên quan đến tranh chấp trên biển Hoa Đông, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ 10 tàu Trung Quốc, trong đó có 3 tàu hải giám, 6 tàu ngư chính, ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda kêu gọi người dân nước ông điềm tĩnh và có hành động tương xứng với phẩm giá sau vụ lãnh sự quán Trung Quốc bị ném bom tại thành phố Kobe của Nhật ngày 19-9. Nhà lãnh đạo này cũng yêu cầu người dân không xâm phạm an ninh và tài sản của nước láng giềng. Trong vụ đánh bom vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Kobe, không có người thương vong. Còn Trung Quốc bày tỏ sự tiếc nuối về việc những người biểu tình tấn công vào ô-tô của đại sứ Mỹ Gary Locke ở Bắc Kinh cũng vào ngày 19-9. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định đây chỉ là sự việc cá nhân và Chính phủ Bắc Kinh đang điều tra vụ này.

Trong chuyến công cán ở Trung Quốc, sáng 20-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến cảng Thanh Đảo, nơi đặt tổng hành dinh của hạm đội Bắc Hải (Trung Quốc). Và như vậy, ông Panetta trở thành quan chức Lầu Năm Góc đầu tiên thăm căn cứ này. Trước đó, ngoài việc trấn an Trung Quốc về chiến lược Mỹ hướng trọng tâm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, ông Panetta đã nhận được lời mời thăm các tàu khu trục và tàu ngầm chạy diesel thế hệ mới của Bắc Kinh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.