(ĐNĐT) - Tuần duyên Nhật Bản đã dùng vòi rồng nhằm vào các tàu cá và tàu tuần duyên Đài Loan để xua ra khỏi vùng lãnh hải thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu tuần duyên Nhật Bản (giữa) và Đài Loan phun vòi rồng vào nhau trên vùng biển tranh chấp. Ảnh: Kyodo/Reuters |
Reuters, dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Osamu Fujimura, cho biết, các tàu tuần duyên của Nhật đã dùng vòi rồng phun nước vào khoảng 40 tàu cá cùng 8 tàu tuần duyên Đài Loan tại khu vực nói trên sáng ngày 25-9. Sau đó, tàu Đài Loan cũng dùng vòi rồng đáp trả.
Theo ông Osamu Fujimura, toàn bộ các tàu cá và tàu tuần duyên Đài Loan đã rời khỏi khu vực tranh chấp kể từ khi bị phun nước.
Trước đó, sáng 25-9, Tuần duyên Nhật Bản cho biết, hàng chục tàu Đài Loan, trong đó có 6 tàu tuần duyên, đã vào vùng lãnh hải quanh các đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn đang bị tranh chấp trên Biển Hoa Đông.
Phát ngôn viên tuần duyên Nhật cho biết: “Hàng chục tàu cá đã vào vùng biển trên. Các tàu đó được các tàu tuần duyên Đài Loan hộ tống”. Đài NHK cho biết, có ít nhất từ 40 đến 50 tàu cá Đài Loan có mặt tại khu vực trên.
Xuất phát từ Đài Loan hôm qua, các tàu cá tới vùng biển tranh chấp để tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo, nơi mà họ cho là có quyền đánh cá do tổ tiên truyền lại.
Sự có mặt của các tàu cá Đài Loan có vẻ như sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại khu vực biển đảo mà Nhật Bản đang tranh chấp với Trung Quốc.
Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý. Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng họ đã sở hữu các đảo này hàng trăm năm trước với tên gọi Điếu Ngư.
Nhóm đảo trên cách Đài Loan 200 kilomet nên Đài Loan tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Trước đó, Tuần duyên Nhật cho biết, 2 tàu hải giám và 1 tàu ngư chính Trung Quốc cũng đã có mặt tại vùng lãnh hải thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc kêu gọi Đài Loan cùng bảo vệ chủ quyền
Trong một diễn biến liên quan, ngày 24-9, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, trả lời câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Đài Loan tới Senkaku/Điếu Ngư, rằng người dân hai bên bờ Eo biển Đài Loan nên cùng nhau bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, đặt tình cảm quốc gia của người Trung Quốc lên trên.
Theo ông Hồng Lỗi, người dân ở hai bờ Eo biển nên phối hợp bảo vệ những lợi ích tổng thể và nền tảng của đất nước Trung Quốc.
Ông Hồng Lỗi nói rằng, các tàu hải giám Trung Quốc tới các đảo trên là việc làm thực thi pháp luật tại đó. Các tàu đó sẽ tiếp tục tuần tra để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Quang Hiển (theo CNA, THX, Reuters)