Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Vladivostok (vùng Viễn Đông của Nga) ngày 8 và 9-9 trong lúc căng thẳng đang gia tăng ở Đông Á do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông cùng hàng loạt vấn đề về kinh tế, an ninh lương thực.
21 nhà lãnh đạo tại Hội nghị APEC. Ảnh: Reuters |
Dẫu được dự báo không êm đềm, không có những cam kết sâu sắc hợp tác toàn diện, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này với sự chủ trì của Nga là dịp để Mátxcơva trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi dỡ bỏ rào cản, thúc đẩy sự phát triển năng động của khu vực và kinh tế toàn cầu, theo chủ đề của hội nghị là “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”.
Vấn đề đặt ra là 21 thành viên có thật sự bắt tay nhau hay không khi còn lắm bất đồng, rạn nứt, thậm chí có cả những cảnh báo về nguy cơ xung đột. Ngày 9-9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chỉ gặp gỡ vỏn vẹn 15 phút bên lề hội nghị sau nhiều tuần căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đó là chưa kể Trung Quốc còn có những tranh chấp với một số thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trên Biển Đông mà Philippines là một trong những nước chỉ trích Bắc Kinh gay gắt nhất. Bên cạnh đó là căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng về chủ quyền đảo Takeshima/Dokdo. Trong một cuộc gặp không chính thức tại APEC vào ngày 9-9, người ta thấy Thủ tướng Noda và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngồi cạnh nhau, bắt tay nhau nhưng hai bên không đưa ra tuyên bố nào về vấn đề tranh chấp.
Tổng thống Putin cho rằng, “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng” có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, liên kết là cơ hội để các nhà lãnh đạo APEC trao đổi về những biện pháp tăng cường hợp tác trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi chậm lại cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Putin cũng nói rằng, quan trọng là phải “xây dựng những chiếc cầu nối chứ không phải là những bức tường”. Nhưng “những chiếc cầu nối” mà ông nói lại không dễ xây dựng mặc dù Nga và Mỹ đang ra sức thúc đẩy điều này. Hơn hết, Nga cần sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh APEC để củng cố quan hệ với các đối tác, nhất là Mátxcơva vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khi APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực chiếm 59% dân số, hơn 50% GDP và 57% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cam kết Bắc Kinh đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của APEC; đồng thời nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế lớn nhất châu Á đối với khu vực này, nhất là trong việc chủ động tham gia hợp tác với các nước trên những lĩnh vực khác nhau. Song, những tuyên bố và hành động của Trung Quốc thời gian gần đây lại mâu thuẫn nhau, cụ thể trong vấn đề Biển Đông, khiến không ít quốc gia quan ngại về thiện chí của Bắc Kinh. Hội nghị Thượng đỉnh APEC và các hội nghị khác liên quan sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2014 thì cường quốc này sẽ có vai trò không nhỏ trong các quyết định quan trọng của APEC sắp tới.
Một điều đáng lưu ý khác là sự hiện diện của Mỹ khi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng mà Washington đã, đang và sẽ hướng đến. Bởi vậy, thay vì đơn phương ở châu Á - Thái Bình Dương và vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc, Mỹ cần Nga cùng đóng góp vai trò trong các vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông. “Nước Mỹ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, thay mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định. Tuyên bố này cũng chính là thông điệp và cam kết của Nhà Trắng trong chuyến công cán của bà Clinton kéo dài 11 ngày, từ đầu tháng 9 đến nay. Để thể hiện thiện chí, quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ hoan nghênh việc Nga gia nhập WTO. Bà còn nói rằng, xuất khẩu của Mỹ sang Nga thời gian tới có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Thực tế, từ năm 2009-2011, thương mại của Mỹ với các nước châu Á - Thái Bình Dương tăng gần 45%. Và bà Clinton không ngần ngại khẳng định: “Phần lớn lịch sử trong tương lai sẽ được viết ở châu Á”.
Ngày 9-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ tin tưởng rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ sẵn sàng giải quyết căng thẳng liên quan đến đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo. Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Clinton cho biết, bà đã gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, đồng thời thúc giục 2 nhà lãnh đạo này “hạ nhiệt”, kiềm chế, tránh đối đầu. Theo Yonhap, Chính phủ Nhật Bản vừa bổ sung 7,5 triệu USD vào dự toán ngân sách năm 2013 để sử dụng trong việc tuyên truyền về chủ quyền của nước này đối với quần đảo Takeshima/Dokdo đang tranh chấp với Hàn Quốc. Trước đó, Chính phủ Tokyo cũng đã đồng ý chi 26 triệu USD để mua lại một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp với Trung Quốc (Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là đảo Điếu Ngư). Cũng theo Yonhap, chủ nhân Senkaku đã đồng ý bán đảo cho Chính phủ Nhật Bản. Dự kiến hợp đồng sẽ được hai bên ký vào ngày 11-9. |
VĨNH AN