.

Toàn cảnh Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ Mỹ

.

Bốn ngày sau đại hội của đảng Cộng hòa, ngày 4-9, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đã khai mạc tại trung tâm thể thao Time Warner Cable Arena của thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina.

Những người ủng hộ Tổng thống Barack Obama tại đại hội ngày 4/9. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Những người ủng hộ Tổng thống Barack Obama tại đại hội ngày 4-9. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden được chờ đợi sẽ được đề cử làm đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử ghế tổng thống và phó tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 11 tới trước cặp liên danh vừa được đề cử của đảng Cộng hòa Mitt Romney và Paul Ryan.
 
Phóng viên TTXVN có mặt tại hội trường đại hội đưa tin Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6-9 với sự tham gia của 5.963 đại biểu đại diện cho các chi nhánh của đảng Dân chủ từ 50 bang, thủ đô Washington và 5 vùng lãnh thổ thuộc Mỹ cùng hàng chục nghìn quan khách, trong đó có khoảng 15.000 phóng viên trong và ngoài nước.
 
Ban tổ chức đại hội cho biết trong hai ngày đầu sẽ có khoảng 35.000 người tham dự các hoạt động tại trung tâm thể thao Time Warner. Riêng trong ngày cuối cùng của đại hội, ban tổ chức hy vọng sẽ có hơn 73.000 người ngồi chật kín sân vận động Bank of America để nghe bài phát biểu của ông Obama chấp nhận sự đề cử của đảng Dân chủ. Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 2012 được đánh giá là đại hội có thành phần tham dự đông nhất, đa dạng nhất trong lịch sử 180 năm qua.

Obama chê Mitt Romney chẳng có ý tưởng nào mới

Cũng như đại hội của đảng Cộng hòa, nội dung chính của Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ gồm ba đề mục lớn, bao gồm: các bài diễn thuyết khuyếch trương cái gọi là nền tảng sức mạnh của đảng Dân chủ, thông qua cương lĩnh năm bầu cử 2012 và đề cử cặp liên danh tranh cử vào tháng 11 tới.
 
Trong số hàng chục chính khách nổi tiếng của đảng Dân chủ tham gia đăng đàn có đệ nhất phu nhân Michael Obama, Thị trưởng thành phố San Antonio thuộc bang Texas, cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Tổng thống Jimmy Carter, Thượng nghị sĩ John Kerry, Phó Tổng thống Biden và Tổng thống Obama,...
 
Phát biểu với báo giới trước khi diễn ra đại hội, ông David Plouffe, một cố vấn thân cận của Tổng thống Obama, cho biết mục đích chính của đại hội là gửi đến người dân Mỹ thông điệp về kế hoạch cụ thể của đảng Dân chủ không chỉ nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế mà còn vì mục tiêu xa hơn, đó là xây dựng một nền kinh tế dựa trên lợi ích của giới trung lưu và người lao động.
 
Charlotte là thành phố lớn nhất của bang Bắc Carolina với dân số hơn 1,8 triệu người, lớn thứ 17 của nước Mỹ, được coi là trung tâm lớn thứ hai của các tổ chức tài chính Mỹ, sau Niu Yoóc (New York). Để đảm bảo an ninh trong những ngày diễn ra đại hội, chính quyền thành phố Charlotte đã cho dựng các hệ thống barie bằng bê tông trên nhiều góc phố, hàng rào dây thép gai rào chắn nhiều tuyến đường xung quanh khu đại hội.
 
Rút bài học cay đắng năm 1968 ở Chicago khi đại hội bị người biểu tình gây gián đoạn, năm nay hàng trăm lính thuộc lực lượng vệ binh bang Bắc Carolina đã được huy động để bảo vệ các hệ thống cơ sở hạ tầng sống còn của thành phố cùng với hàng nghìn cảnh sát.
 
Với hơn 60 tổ chức đã lên tiếng huy động lực lượng để tổ chức biểu tình "Chiếm Charlotte," chính quyền thành phố đã ban hành một loạt luật lệ mới, cấm dựng lán trại tại các nơi công cộng, cấm mang theo những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho người khác như gậy gộc, pháo hoa, bom khói.
 
Bắc Carolina là bang ông Obama đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008 với tỷ lệ sát nút và trong năm tổng tuyển cử 2012, đây là một trong 12 bang được xác định là "trận chiến sống còn" cho nỗ lực tái đắc cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama.

TTXVN

;
.
.
.
.
.