(ĐNĐT) - Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ việc Nhật Bản mua lại 3 đảo trên Biển Hoa Đông, đồng thời đe dọa Tokyo sẽ “chịu hậu quả nghiêm trọng” bởi quyết định “trái phép và đơn phương” của mình.
Một nhóm các nhà khảo sát Nhật Bản trên đường tới vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư để khảo sát đảo này. Ảnh: AFP |
Ngày 10-9, Nhật Bản chính thức thông báo quyết định mua lại 3 trong số 5 đảo thuộc nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư từ gia đình người Nhật Kurihara với giá 26 triệu USD.
Chính phủ Nhật cho biết, sẽ “quốc hữu hóa” các hòn đảo này và sẽ không xây dựng bất kỳ thứ gì trên đảo để giữ cho vùng đảo này được yên tĩnh và ổn định.
Cũng trong ngày 10-9, sau khi có tuyên bố của Nhật về việc mua lại 3 đảo trên, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lên tiếng khẳng định rằng, Điếu Ngư là một phần lãnh thổ không thể tách rời và Trung Quốc quyết không nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ đối với nhóm đảo trên.
Sáng 11-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố, ý định mua lại các đảo là hoàn toàn trái phép và không hiệu lực. Việc đó không bao giờ thay đổi các sự kiện lịch sử về việc Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư và các đảo nhỏ lân cận.
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc, còn có Đài Loan tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo nằm trên Biển Hoa Đông, nơi có luồng hàng hải quan trọng và được bao vây bởi các mỏ hydrocarbon lớn bên dưới.
Nhật Bản tuyên bố kiểm soát các hòn đảo này từ 1895 cho đến khi đầu hàng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các đảo này được Mỹ kiểm soát từ 1945 tới 1972 và sau đó trao trả lại cho Nhật.
Trung Quốc lại tuyên bố phát hiện ra các đảo này và kiểm soát kể từ thế kỷ thứ 14. Vào những năm 1970, Trung Quốc và Đài Loan bắt đầu tuyên bố chủ quyền với các đảo trên, khi các số liệu khảo sát cho thấy đây là vùng giàu hydrocarbon.
Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh bùng phát vào tháng trước, sau khi Nhật bắt giữ 14 công dân Trung Quốc và Hong Kong do đổ bộ lên một trong các đảo trên là đảo Uotsuri. Những người bị bắt sau đó đã bị trục xuất.
Quang Hiển (Theo Rian, Tân Hoa Xã)